Xét nghiệm sớm âm tính, xin đừng chủ quan!
Theo BS.CKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương chia sẻ, cả nước đang nỗ lực xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho các đối tượng nghi ngờ. Ai nhận được kết quả âm tính đều hồ hởi vui mừng, thậm chí có nhóm còn hẹn hò tụ tập làm vài quại bia cho vui vẻ.
Thực ra, nếu chưa cách ly đủ 14 ngày thì có kết quả âm tính vẫn chưa thể yên tâm hoàn toàn.
Đồng quan điểm với BS Cấp, nhà báo Trần Trọng An, Phó TBT Tạp chí Gia Đình Mới cũng đưa ra quan điểm cho rằng, hiện nay việc test nhanh ở một số địa phương, trong đó có Hà Nội làm dựa trên bộ kit tìm kháng thể.
Ngoài chuyện "dương tính giả" (đã có 11 ca dương tính khi test nhanh nhưng test lại bằng PCR thì 10 ca âm tính, 1 ca chờ kết quả), thì hiện tượng "âm tính giả" mà thế giới đã gặp cũng là điều đáng phải suy nghĩ.
Hà Nội đã test nhanh gần 50.000 ca và hầu hết cho kết quả âm tính. Nhiều người đi lấy mẫu rồi hỉ hả trà đá tám chuyện và phun nước bọt cho nhau. Một số người thấy kết quả âm tính nên chủ quan đi tung tăng khắp nơi, rất chủ quan.
Xét nghiệm âm tính vẫn phải tự cách ly đủ 14 ngày
Theo BS Cấp lý giải, virus SARS-CoV-2 xâm nhập cơ thể, âm thầm nhân lên đến khi đạt tải lượng nhất định thì mới phát tán ra đường hô hấp và gây triệu chứng. Quá trình âm thầm nhân lên của virus gọi là "Thời gian ủ bệnh".
Trong thời gian này do virus chưa phát tán ra qua đường hô hấp nên các xét nghiệm vẫn có thể âm tính mặc dù cơ thể có virus. Và những người này vẫn có thể trở thành dương tính vào những ngày sau. Thời gian ủ bệnh của hầu hết các bệnh nhân là dưới 14 ngày, nhưng vẫn có một tỷ lệ rất nhỏ có thể dài hơn.
Trong khi đó, nhà báo Trần Trọng An cho rằng, virus SARS-Cov-2 lây trong thời gian ủ bệnh (từ 2-14 ngày). Trong những ngày đầu khi mới nhiễm virus, cơ thể chưa kịp sinh ra kháng thể hoặc kháng thể yếu, nếu test nhanh thì tỷ lệ âm tính giả (false negative) cực cao.
Việc này, các chuyên gia y tế Việt Nam đã nói: "Test nhanh tìm kháng thể dương tính chỉ thể hiện rằng người đó đã từng bị nhiễm virus SARS-CoV-2 trong quá khứ, chứ không thể khẳng định người đó có đang bị bệnh, có khả năng lây bệnh hay không?". Ngược lại, xét nghiệm test nhanh tìm kháng thể âm tính không có nghĩa là người đó không bị nhiễm, và không lây cho người khác. (người bị nhiễm virus này ở giai đoạn đầu chưa có kháng thể xét nghiệm này chắc chắn âm tính, nhưng người này vẫn có thể lây cho người khác).
Mặt khác, một nghiên cứu đã công bố khẳng định:
- Xét nghiệm kháng thể một tuần sau các triệu chứng đầu tiên chỉ phát hiện 30% số người mắc Covid-19.
- Độ chính xác tăng trong tuần 2 với 70% được phát hiện và cao nhất ở tuần 3 (hơn 90% được phát hiện).
- Có ít bằng chứng sau tuần thứ 3.
- Các xét nghiệm cho kết quả dương tính giả ở 2% những người không có Covid-19.
Do đó, nhà báo Trần Trọng An khuyến nghị, các trường hợp từ Đà Nẵng về, nếu đã được test nhanh thì chưa thể yên tâm hoàn toàn mà cần phải tự cách ly theo dõi 14 ngày. Có như vậy mới hạn chế được nguy cơ dịch lây lan ra cộng đồng.
Còn theo BS Nguyễn Trung Cấp khẳng định, nếu một người đi qua vùng có dịch hoặc tiếp xúc gần với người bệnh, thì việc tự cách ly và theo dõi trong 14 ngày mới là điều cơ bản mấu chốt. Chỉ ưu tiên xét nghiệm cho những người có triệu chứng hô hấp nhằm phát hiện các ca bệnh để điều trị kịp thời. Việc xét nghiệm sớm khi chưa có triệu chứng lâm sàng có rất ít giá trị. Thậm chí điều này có hại nếu người sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính nghĩ rằng mình không bị bệnh và chủ quan tự phá vỡ các quy tắc cách ly. Khi đó họ có thể trở thành nguồn lây cho cộng đồng nếu những ngày sau đó họ trở thành dương tính. Vì thế, nếu đi qua vùng có dịch Covid-19 hay tiếp xúc gần với người nghi có bệnh, xin đừng sùng sục đòi xét nghiệm ngay để cho nó yên tâm.
Bên cạnh đó, cần thông báo cho y tế địa phương để vào danh sách giám sát và được hướng dẫn tự cách ly trong 14 ngày. Trong vòng 14 ngày đó, nếu bất cứ lúc nào có biểu hiện nghi mắc Covid-19 như: Sốt, ho, đau họng, tiêu chảy… hãy thông báo lại cho cơ quan y tế để xét nghiệm sớm. Còn những trường hợp khác sẽ xét nghiệm vào ngày thứ 13-14 nhằm khẳng định âm tính để người đó được khẳng định an toàn khi tái hòa nhập cộng đồng.
Xét nghiệm nhanh là gì? Và xét nghiệm nhanh có ý nghĩa gì?
Theo TS. BS Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai) cho biết, xét nghiệm nhanh là xét nghiệm định tính hoặc bán định lượng kháng thể chống SARS-CoV-2 trong máu. Ưu điểm của loại xét nghiệm này là rẻ và nhanh, mục đích để sàng lọc người nhiễm hoặc ước tính tỷ lệ người nhiễm trong cộng đồng chứ không phải là để chẩn đoán xác định.
Xét nghiệm nhanh dương tính có nghĩa là người đó có kháng thể chống SARS-CoV-2 trong máu được hình thành tối thiểu từ 7 - 14 ngày trước đó sau phơi nhiễm với nguồn lây hoặc sau khi bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, nếu người đó bị nhiễm bệnh trước khi làm xét nghiệm nhanh vài ngày (< 7 ngày) thì chắc chắn xét nghiệm nhanh sẽ âm tính.
Để chẩn đoán xác định nhiễm bệnh, ngoài xét nghiệm nhanh dương tính thì phải có xét nghiệm RT-PCR dương tính. Tuy nhiên, nếu xét nghiệm nhanh dương tính mà xét nghiệm RT-PCR âm tính thì có thể lý giải rằng người đó đã từng phơi nhiễm với nguồn lây hoặc đã từng nhiễm bệnh và khả năng lây bệnh cho người khác không còn.
Ngược lại, nếu xét nghiệm nhanh âm tính mà xét nghiệm RT-PCR dương tính thì khả năng người đó mới bị nhiễm bệnh trong một vài ngày gần đây (< 7 ngày) và kháng thể chống SARS-CoV-2 chưa kịp hình thành trong máu. Đây chính là khoảng trống "chết người" nếu chúng ta chủ quan không tiếp tục cách ly cho đủ ít nhất 14 ngày để chắc chắn rằng chúng ta không nhiễm bệnh (không có triệu chứng, hoặc xét nghiệm nhanh hoặc xét nghiệm RT-PCR âm tính) để tránh lây bệnh cho người khác và cộng đồng.
Lưu ý, vì lý do kinh tế, kỹ thuật và thời gian cho nên xét nghiệm RT-PCR không thể làm rộng rãi trong cộng đồng. Xét nghiệm nhanh hiện nay vẫn là công cụ hữu hiệu nhất giúp cho Chính phủ, Bộ Y tế chống dịch nếu chúng ta tuân thủ các khuyến cáo phòng chống dịch bệnh, nhất là tuân thủ việc cách ly theo quy định sau khi đi từ vùng dịch về.
Đồng quan điểm, Doanh nhân Đỗ Cao Bảo, thành viên HĐQT Tập đoàn FPT bổ sung thêm rằng, phần lớn chúng ta đều nghĩ rằng xét nghiệm nhanh kháng thể (xét nghiệm máu) là để nhanh chóng cho chúng ta kết quả âm tính hay dương tính với nCoV (trong vòng 20 phút).
Tuy nhiên, xét nghiệm nhanh kháng thể cho chúng ta nhiều ý nghĩa hơn thế, nó không phải chỉ cho kết quả âm tính hay dương tính, mà nó cho ta 3 trạng thái dương tính như sau:
1) IgM + và IgG +: Đã nhiễm nCoV, khởi phát bệnh quá 7 ngày
2) IgM + và IgG -: Đã nhiễm nCoV, khởi phát bệnh dưới 7 ngày
3) IgM - và IgG +: Trước đây đã từng nhiễm nCoV, hiện đã hồi phục (khi đã từng nhiễm nCoV thì 3 năm sau IgG vẫn dương tính).
Cần lưu ý rằng chỉ khi cả IgM lẫn IgG đều âm tính mới được gọi là âm tính tại thời điểm lấy mẫu (vẫn còn khả năng vẫn đang ở giai đoạn ủ bệnh, nếu ngày lấy mẫu chưa đủ 14 ngày).
Như vậy xét nghiệm nhanh kháng thể với số lượng lớn sẽ cho chúng ta biết sự lây lan trong cộng đồng (âm thầm) ở mức độ nào?
Ông Đỗ Cao Bảo nhấn mạnh, kết quả xét nghiệm 67.746 người ở Hà Nội từ Đà Nẵng về trong 3 ngày qua đã cho chúng ra một đánh giá rất quan trọng: "Hà Nội không có lây nhiễm ngầm trong cộng đồng (tính đến 15/7). Vì trong 67.736 người xét nghiệm, chỉ có 11 người dương tính (chiếm tỷ lệ 0.016%) và khi xét nghiệm khẳng định bằng PCR ra kết quả âm tính. Như vậy tỷ lệ người Hà Nội đã từng nhiễm nCoV (hiện đã hồi phục) chỉ ở mức 0.016%. Có nghĩa là phải 6.159 người mới có 1 người đã từng nhiễm nCoV từ đầu dịch đến nay (nếu trừ đi dương tính giả, tỷ lệ còn thấp hơn)".
Theo BS.CKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương; Nhà báo Trần Trọng An, Phó TBT Tạp chí Gia Đình Mới; TS. BS Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai) và Doanh nhân Đỗ Cao Bảo, thành viên HĐQT Tập đoàn FPT.
Nguồn: Lotus