Ví dụ, khi bị cảm lạnh, cảm cúm, cần hạ sốt, có người sẽ chạy ngay ra hiệu thuốc mua aspirin hay acetaminophen, ho là mua kháng sinh hay viên ngậm. Hễ thấy đau đầu, đau chân, đau lưng, đau gì cũng mua thuốc giảm đau paracetamol, bụng khó chịu là cứ thuốc tiêu hóa berberin mà uống...
Lại có người lúc đi khám bệnh thì nói “không cần kiểm tra, bác sĩ cứ kê đơn thuốc cho tôi là được”. Người thì mách người bán triệu chứng bệnh để nhờ họ lấy thuốc... Tuy nhiên, họ không biết rằng việc uống thuốc không qua thăm khám, uống thuốc theo cảm tính, kinh nghiệm này vô cùng nguy hiểm.
Nhiều người có thói quen uống thuốc theo kinh nghiệm, cảm tính
Theo báo cáo, tại Trung Quốc mỗi năm có 200.000 người chết vì uống nhầm thuốc và rất nhiều trường hợp bị di chứng, thương tật ở các mức độ khác nhau. Bác sĩ Zhang Jichun tại Bệnh viện Xiehe (Vũ Hán, Trung Quốc) khẳng định: người bình thường không hiểu biết đúng đắn về thuốc, thậm chí có nhiều hiểu lầm, tốt nhất không nên uống thuốc bừa bãi.
Trong quan niệm của nhiều người, các bệnh cơ bản như vậy dù có uống nhầm thuốc cũng không ảnh hưởng nhiều đến cơ thể, tất cả các loại thuốc cảm cúm, đau đầu… đều có thành phần na ná nhau. Cũng vì thế mà không ít người trộn lẫn các loại thuốc cảm với nhau, đây chính là 1 sai lầm phổ biến nhưng hậu quả khôn lường.
Trộn lẫn nhiều loại thuốc cảm hoặc thuốc giảm đau với nhau không hề giúp làm tăng hiệu quả chữa bệnh như nhiều người nghĩ, mà nó còn có thể gây ngộ độc và ảnh hưởng đến gan.
Đừng nhai hoặc nuốt chửng các loại thuốc ngậm nếu không muốn mắc các bệnh về răng miệng như viêm loét miệng, xung huyết niêm mạc… Cũng đừng lạm dụng thuốc giảm đau, đặc biệt là các chế phẩm giảm đau dạng viên sủi, cần phân biệt rõ loại nào dùng cho tình trạng đau nào.
Nhiều trường hợp tử vong do dùng sai thuốc
Tác hại của thói quen này nhẹ thì gây nhờn thuốc, nghiện thuốc, nặng hơn thì có thể khiến bạn bị mất trí nhớ, viêm loét hay xuất huyết dạ dày, cao huyết áp, gãy xương, tổn thương gan thận, thậm chí gây tử vong. Ngoài ra, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc giảm đau cho người sốt quá 39 độ C; với nhóm người bị hen suyễn và các bệnh về tim mạch, bất cứ liều lượng giảm đau nào đưa vào cơ thể cũng cần phải xin ý kiến từ chuyên gia y tế.
Thêm 1 thói quen sai lầm khi dùng thuốc nữa mà nhiều người mắc phải là bổ sung các loại vitamin bừa bãi. Những người bận rộn hoặc người cao tuổi thường bổ sung vitamin không chọn lọc, loại nào cũng uống hoặc uống quá nhiều 1 loại, việc làm này tưởng chừng đang giúp chăm sóc sức khỏe nhưng thật ra nó lại đang hủy hoại cơ thể của bạn 1 cách từ từ.
Với người bình thường, không kén ăn thì bạn chỉ cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng hàng ngày, ăn thêm nhiều rau xanh, trái cây là đã không bị thiếu vitamin rồi, không cần bổ sung thêm. Nếu muốn cơ thể khỏe mạnh hơn nữa, bạn hãy nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ để biết cơ thể mình cần loại vitamin nào, có cần kiêng hay tránh loại vitamin nào không.
Tương tự như các loại thực phẩm chức năng, đừng để thuốc bổ trở thành thuốc độc. Đặc biệt, trên thị trường hiện nay tràn lan các loại thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, thành phần, không những không có lợi mà còn gây hại, thậm chí khiến người dùng tử vong.
Nguồn và ảnh: Aboluowang, Healthline, MSN