Quá trình lão hóa diễn ra liên tục với tốc độ chậm đến mức chúng ta thường không nhận ra những thay đổi trên cơ thể mình. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng có ít nhất hai giai đoạn trong cuộc đời mà mọi người có thể nhìn thấy rõ rệt quá trình lão hóa.
Theo đó, các nhà khoa học thuộc Đại học Stanford đã theo dõi 135.000 phân tử khác nhau của 108 người trong độ tuổi từ 25 đến 75. Những tình nguyện viên đã đồng ý nộp mẫu máu, da và phân trong khoảng thời gian từ một đến bảy năm. Đồng thời họ cũng cung cấp tăm bông lấy mẫu ở miệng và mũi (các mẫu được thu thập sau mỗi vài tháng).
Sau khi phân tích dữ liệu, các nhà nghiên cứu phát hiện ra hai giai đoạn có sự thay đổi rõ rệt ở độ tuổi khoảng 44 và 60.
Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã theo dõi những thay đổi ở nhiều loại phân tử, bao gồm RNA, protein và chất chuyển hóa. Họ thậm chí còn phân tích nhiều loại vi khuẩn, virus và nấm sống ở nhiều bộ phận cơ thể.
Khoa học giải thích lý do vì sao nhiều người cảm thấy mình già đi vài tuổi chỉ sau một đêm. Ảnh: AI
Nhóm nghiên cứu thuộc ĐH Stanford phát hiện ra rằng những thay đổi về phân tử không xảy ra theo tiến trình thời gian đơn giản như người ta vẫn nghĩ ban đầu. Thay vào đó, họ xác định hai nhóm tuổi sẽ xuất hiện những thay đổi rõ rệt, điều này giúp giải thích vì sao một số người thường cảm thấy mình già đi vài tuổi chỉ sau một đêm.
Những phát hiện này cũng giải thích tại sao một số người bắt đầu gặp phải các tình trạng bệnh lý nhất định.
Ban đầu, các nhà nghiên cứu tin rằng những thay đổi về hormone liên quan đến thời kỳ tiền mãn kinh ở phụ nữ sẽ giải thích cho làn sóng lão hóa bất ngờ ở độ tuổi giữa 40. Tuy nhiên, sau đó họ phát hiện ra những thay đổi tương tự cũng xảy ra ở nam giới.
Làn sóng lão hóa mạnh mẽ đầu tiên tác động đến các phân tử liên quan đến bệnh tim mạch. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các phân tử chịu trách nhiệm chuyển hóa caffeine, rượu và lipid sẽ trải qua những thay đổi lớn vào giữa độ tuổi 40.
Tương tự, vào những năm 60 tuổi, các phân tử có liên quan đến khả năng miễn dịch, chuyển hóa carbohydrate và chức năng thận sẽ bắt đầu có sự thay đổi.
Các nhà khoa học đã quan sát thấy những thay đổi về phân tử liên quan đến quá trình lão hóa da và cơ ở cả hai giai đoạn. Những phát hiện này có thể giải thích tại sao một số bệnh liên quan đến tim mạch thường xuất hiện sau độ tuổi 40. Tương tự, đây cũng là lý do vì sao chúng ta thường có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, bệnh Alzheimer và bệnh tim mạch cao hơn ở giai đoạn sau của cuộc đời (sau 60 tuổi).
Nếu cảm giác già đi vài tuổi đi kèm với các triệu chứng đáng lo ngại khác như đau đớn kéo dài, mệt mỏi cực độ hoặc thay đổi tâm trạng, bạn đừng ngần ngại tham khảo ý kiến chuyên gia y tế. Đôi khi, những cảm giác này có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn cần được điều trị.
Hãy nhớ rằng, quá trình lão hóa là một phần tự nhiên của cuộc sống, nhưng cách chúng ta trải qua quá trình này phần lớn phụ thuộc vào việc lựa chọn lối sống. Bằng cách chăm sóc bản thân toàn diện, cả về thể chất lẫn tinh thần, bạn có thể duy trì cảm giác trẻ trung, năng động và sống một cuộc sống trọn vẹn ở mọi lứa tuổi.