Sarah Myers sống cùng chồng tại Bedford (Bedfordshire, Vương quốc Anh). Cô cho biết, ở tuổi 20 cô có sức khỏe rất tốt, thậm chí còn chăm tập thể dục và ăn uống điều độ. Mọi chuyện tốt đẹp cho đến khi cô bước sang tuổi 35 thì bắt đầu cảm thấy sức khỏe của mình yếu đi, nhất là hệ hô hấp, nhưng cô đi khám thì không tìm ra bệnh tật gì.
Khó thở cũng có thể là do bệnh lý liên quan đến ung thư máu (Ảnh minh họa)
Ở tuổi 36, các triệu chứng khó thở của cô ngày càng nghiêm trọng. Sarah kể lại: “Tôi biết rằng có điều gì đó không ổn trong cơ thể mình. Tôi cảm thấy các cơn đau mơ hồ và hay khó thở nên tôi quyết định đi khám. Các bác sĩ kết luận rằng tôi bị hen suyễn và cần điều trị với thuốc”.
Đương nhiên, việc dùng thuốc trị hen suyễn không giúp gì nhiều cho Sarah. Những cơn đau ngày một rõ ràng và chủ yếu là ở xương, nặng nhất là vùng xương đùi và thắt lưng. Thỉnh thoảng, cô gặp khó khăn với việc leo cầu thang, bê vác đồ vật nhẹ, thậm chí là không thể đi nhanh. Điều khó hiểu là cơn đau của cô không liên tục và không theo quy luật nào và kèm khó thở, sụt cân, mệt mỏi dai dẳng.
Sarah nhiều lần liên hệ với bác sĩ điều trị để bày tỏ cảm giác của mình. Cô nói: “Tôi đã phàn nàn rằng mình cảm thấy vấn đề không phải nằm ở hệ hô hấp hay bệnh hen suyễn. Những loại thuốc bác sĩ kê cho tôi dường như không có hiệu quả và tôi cảm thấy mình gầy đi nhiều”.
Sarah Myers không ngờ mình mắc bệnh ung thư máu hiếm gặp ở tuổi 37
Sau đó, cô đã đến một bệnh viện khác để thăm khám. Khi y tá tiến hành đo chiều cao và cân nặng, Sarah đã hét lên vì hoảng hốt. Cô cho biết, mình cao 172,7 cm nhưng đo thế nào cũng chỉ có xấp xỉ 165cm. Dù theo thời gian, Sarah hiện đã gần 40 tuổi, cũng không còn chăm vận động như trước nhưng việc giảm tận 8cm chiều cao là không thể giải thích nổi.
Ngay lập tức, vị bác sĩ có mặt trong phòng khám yêu cầu Sarah kể thêm các triệu chứng khác và khuyên cô nhanh chóng tới khoa ung bướu. “Tôi có nghĩ tới một căn bệnh gì đó nặng về xương, nhưng ung thư là điều tôi không ngờ tới”. Đó là cảm xúc của Sarah khi nhận chẩn đoán đa u tủy xương ở tuổi 37.
Bác sĩ nhắc nhở các dấu hiệu u tủy dễ bị bỏ qua
Tiến sĩ Sophie Castell - Giám đốc điều hành Myeloma Vương quốc Anh cho biết, bệnh đa u tủy xương mà Sarah Myers mắc phải là một dạng ung thư máu ác tính hiếm gặp. Vào thời điểm được phát hiện, một số đốt sống của cô đã bị xẹp, khiến cô mất đi 8 cm chiều cao. Cô cũng có những lỗ thủng ở xương chân, xương ức và xương chậu.
Căn bệnh này liên quan đến những tế bào trong hệ tạo huyết, có chức năng tiết ra kháng thể. Hiện ảnh hưởng đến hơn 24.000 người ở Anh. Điều đáng lo là: "Các triệu chứng của đa u tủy giai đoạn đầu rất mơ hồ và thường có vẻ không liên quan hoặc xuất hiện vào những thời điểm khác nhau. Nó cũng rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác, thậm chí là bị bỏ qua vì cho rằng bệnh vặt" - bà nói thêm.
Như trường hợp của Sarah Myers, cô ấy đã bị chẩn đoán sai thành bệnh hen suyễn. Sarah cũng đã mất tới gần 1 năm để phát hiện ra chẩn đoán sai và được chẩn đoán lại, tìm ra căn bệnh chết người u đa tủy xương - ung thư máu.
Từ trường hợp của Sarah, Tiến sĩ Sophie khuyến cáo rằng: "Nếu bạn cho rằng chẩn đoán của mình có vấn đề hoặc phương pháp điều trị chưa hiệu quả, các triệu chứng không thuyên giảm hoặc càng mở rộng thì nên nói cho bác sĩ càng sớm càng tốt. Bạn cũng có thể tìm tới sự hỗ trợ y tế từ nhiều bác sĩ khác nhau và hãy tích cực tái khám sau mỗi thay đổi trong cơ thể. Bởi vì có rất nhiều căn bệnh nguy hiểm nhưng triệu chứng không rõ ràng, rất dễ bị chẩn đoán nhầm. Có thể phải mất nhiều hơn một cuộc hẹn để bác sĩ của bạn ghép các mảnh ghép lại với nhau và thực sự tìm ra căn bệnh".
U đa tủy xương có thể gây biến dạng, xẹp đốt sống dẫn tới thay đổi về chiều cao (Ảnh minh họa)
Bà liệt kê những triệu chứng bệnh đa u tủy xương, trong đó có nhiều triệu chứng rất dễ bị xem nhẹ hoặc nhầm lẫn:
- Đau xương. Có thể gặp ở bất kỳ xương nào, nhưng thường gặp nhất là xương sườn và xương chậu.
- Hay đau đầu.
- Loãng xương sớm toàn thân, gãy xương bệnh lý hoặc dễ gãy xương do chấn thương dù nhẹ.
- Các triệu chứng thiếu máu dai dẳng, như: chóng mặt, hay mệt mỏi, dễ đói…
- Tức ngực, khó thở, rối loạn nhịp tim hoặc chảy máu võng mạc do tăng độ quánh máu.
- Khối u xương, nhiễm trùng xương (có thể gây sụt giảm chiều cao và đau đớn).
- Suy thận, thậm chí phải chạy thận nhân tạo.
- Dễ nhiễm khuẩn: Viêm phổi, nhiễm khuẩn tiết niệu.
- Tăng canxi máu: Lờ đờ, mệt mỏi, trầm cảm, nôn, rối loạn nước và điện giải, rối loạn tri giác, hôn mê...
- Các biểu hiện khác: Gan, lách, hạch to, rối loạn tiêu hóa, chán ăn…
Theo Tiến sĩ Sophie, căn bệnh đa u tủy xương đáng sợ bởi vì ngoài gặp phải biến chứng do đa u tủy xương, bệnh nhân còn phải đối mặt và điều trị tích cực với nhiều bệnh lý khác khi hệ miễn dịch yếu. Sau đó, bên cạnh đau đớn kéo dài còn là những biến chứng nguy hiểm gây tử vong nhanh chóng như: nhiễm trùng phổi, nhiễm khuẩn tiết niệu, chèn ép tủy gây liệt chi dưới, liệt dây thần kinh sọ, rối loạn tâm thần… Hay biến chứng máu nghiêm trọng dẫn đến chảy máu không ngừng, suy tủy…
Nguồn và ảnh: Express UK, MSN, Daily Mail