Công trình được thực hiện bởi Đại học Edinburgh (Scotland - Vương quốc Anh), so sánh nguy cơ tử vong giữa người đã tiêm chủng đủ 2 mũi vắc-xin ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca hoặc Pfizer và người chưa tiêm chủng, cho thấy tác dụng giảm tử vong của vắc-xin phát huy rất rõ ràng ở cộng đồng người lớn tuổi.
Tác dụng giảm tử vong thể hiện rõ ở những người cao tuổi đã được tiêm 2 mũi (Trong ảnh: nhân viên y tế lấy vắc-xin AstraZeneca từ lọ tại một điểm tiêm ở TP HCM)
Như hầu hết các vắc-xin ngừa các bệnh khác, người đã tiêm chủng đủ liệu trình vẫn có thể mắc COVID-19, tuy nguy cơ mắc thấp hơn, giảm khả năng phát tán cho người khác cũng như bệnh sẽ nhẹ đi, giảm mạnh nguy cơ tử vong. Vì vậy nghiên cứu so sánh tỉ lệ tử vong sau một thời gian tiêm chủng diện rộng là rất quan trọng để đánh giá hiệu quả từng loại vắc-xin.
Tiến sĩ Josie Murray từ Đại học Edinburgh, một trong các tác giả chính của công trình cho biết trên Medical Xpress: "Nghiên cứu của chúng tôi ghi nhận người trưởng thành từ 18-64 tuổi được tiêm vắc-xin đủ 2 mũi có khả năng được bảo vệ khỏi tử vong do COVID-19 tăng gần 4 lần so với người chưa được tiêm chủng. Người từ 64-79 tuổi mức giảm tỉ lệ tử vong là 15,5 lần, với người trên 80 tuổi thì nguy cơ tử vong giảm 30 lần sau khi tiêm đủ 2 mũi".
Phát hiện này một lần nữa nhấn mạnh không nên do dự tiêm chủng đối với nhóm người đã rất cao tuổi.
Điều này không có nghĩa là người trẻ tuổi thì hiệu quả của vắc-xin thấp hơn, mà đơn giản vì tỉ lệ tử vong tự nhiên của nhóm dưới 65 tuổi rất thấp, trong khi người trên 80 tuổi chưa được tiêm chủng thì tỉ lệ tử vong cực kỳ cao.
Các ca tử vong hiếm hoi do nhiễm "đột phá" thường liên quan đến những người sẵn có bệnh lý nền nặng, bệnh lý bẩm sinh, các bệnh lý đó vô tình đang biến động mạnh ngay lúc nhiễm SARS-CoV-2. Theo nghiên cứu mới này, 97% các ca tử vong dù đã tiêm chủng có ít nhất một nguyên nhân bệnh khác đi kèm trên giấy chứng tử của họ. Do vậy, các bác sĩ khắp thế giới luôn khuyến cáo mọi người hãy cố gắng giữ bệnh nền ở tình trạng ổn định trong suốt đại dịch.