Nền ẩm thực của các nước phương Đông nổi tiếng với nhiều loại gia vị đặc biệt, và thậm chí là có phần kỳ lạ. Mắm tôm là một trong số đó, chúng có màu sắc và hương vị vô cùng khác biệt. Khi kết hợp với mắm tôm, các món ăn đơn giản như đậu chiên, cà muối, thịt luộc... món ăn được nâng lên một tầm cao mới về hương vị.
Mắm tôm là loại gia vị đơn giản nhưng có hương vị rất ngon.
Mắm tôm - loại gia vị giá rẻ nhưng bổ dưỡng của người Việt
Bên cạnh nhiều người yêu thích thì cũng có không ít ý kiến cho rằng mắm tôm khó ngửi và khó ăn, lại nghèo dinh dưỡng. Tuy nhiên, nghiên cứu của các nhà khoa học người Philippines và Canada đã xóa bỏ hiểu lầm ấy.
Cụ thể, nghiên cứu được đăng tải trên trang Sciencedirect của Tiến sĩ NemesioMontano và Dr. Victo Gavino (thuộc khoa dinh dưỡng, Đại học Montreal, Canada) cùng Tiến sĩ Nemesio Montaño (Viện Khoa học Hàng hải, Đại học Philippines) đã cho thấy "mắm tôm là gia vị có chứa nhiều DHA".
DHA là thành phần quan trọng và cần thiết cho sự phát triển não bộ. Nó là một loại axit béo rất quan trọng đóng vai trò giúp phát triển trí thông minh, võng mạc và hoàn thiện hệ thần kinh ở trẻ nhỏ, kể cả thai nhi. Ở người trưởng thành, DHA đóng vai trò giúp phòng các bệnh tim mạch, bệnh về khớp, giảm đột quỵ và góp phần giúp những người bị tiểu đường kiểm soát lượng đường trong máu.
Nhiều người cho rằng DHA chỉ có thể đến từ sữa, thịt... mà ít khi biết DHA có cả trong mắm tôm. Trên trang về thực phẩm asianfood.com cũng đưa tin, không ngờ một loại gia vị giá rẻ như mắm tôm lại có thể giàu dinh dưỡng như DHA, protein, vitamin B như vậy...
Theo tờ Timesfoodie, mắm tôm có thể chứa ít calo và carbohydrate nhưng chứa nhiều chất dinh dưỡng. Nó chứa một chất chống oxy hóa gọi là astaxanthin, giúp tăng cường sức khỏe của da bằng cách ngăn ngừa nếp nhăn và bảo vệ khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời.
Tôm chứa một lượng lớn selen, đóng vai trò chính trong việc ngăn ngừa một số loại ung thư. Loại gia vị này cũng chứa nhiều phốt pho, vitamin B12 và các chất dinh dưỡng quan trọng khác. Mắm tôm lên men có hàm lượng canxi cao và các nghiên cứu cho rằng nó có thể giúp bảo vệ răng khỏi bị sâu.
Ngoài ra, mắm tôm có chứa vitamin D và phốt pho. Những thứ này có thể tăng cường sức khỏe của xương, ngăn ngừa loãng xương và cũng làm giảm nguy cơ gãy xương.
Mắm tôm có chứa tryptophan, giúp tiết ra serotonin, một loại hormone cải thiện tâm trạng. Hơn nữa, cũng vì mắm tôm ít calo và giàu protein nên nó có thể là một thực phẩm bổ sung tốt cho chế độ ăn kiêng giảm cân.
Khi ăn mắm tôm, đừng quên lưu ý quan trọng
Mắm tôm dù ngon và hứa hẹn nhiều tiềm năng cho sức khỏe như vậy, nhưng chúng ta cũng nên thận trọng khi ăn chúng. Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), mắm tôm là loại mắm được sản xuất từ tôm và muối ăn. Sau khi trải qua quá trình lên men tạo mùi vị và màu sắc đặc trưng, nó có thể có 3 dạng đó là đặc, sệt và lỏng.
Mắm tôm khi đảm bảo chất lượng sẽ rất ngon và bổ dưỡng. Tuy nhiên, nhược điểm lớn của mắm tôm đó là dễ nhiễm khuẩn trong quá trình chế biến trước khi ăn. Đối với mắm tôm, khi ở dạng nguyên chất rất mặn và đặc, khó có vi khuẩn nào sống được ở môi trường đó. Nhưng khi đã được pha cùng nước hay đường/quất thì mắm sẽ chuyển thành môi trường khác và tạo điều kiện rất thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và dễ dàng.
Vị tiến sĩ khuyến cáo, với những sản phẩm mắm tôm trôi nổi không có nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng sẽ tiềm ẩn sự mất an toàn thực phẩm rất cao. Trong quá trình sản xuất, mắm tôm không có nguồn gốc dễ bị nhiễm vi sinh vật gây bệnh đường ruột, Ecoli hoặc các vi khuẩn có bào tử sống yếm khí nếu quá trình vệ sinh không sạch sẽ. Do đó, vị chuyên gia khuyên mọi người nên lựa chọn sử dụng mắm tôm ở các cơ sở sản xuất trong nước có nhãn mác, có cơ sở sản xuất, hạn sử dụng rõ ràng…
Ngoài ra, mắm tôm là loại gia vị có hàm lượng muối cao. Do đó khuyến cáo trẻ em dưới một tuổi, người mắc bệnh thận, bệnh tim, bệnh nhân tiểu đường... không nên sử dụng hoặc khi dùng cần hỏi ý kiến bác sĩ về hàm lượng cho phép.