Tiểu Vương năm nay 23 tuổi (Trung Quốc), là một nữ sinh viên mới tốt nghiệp và bắt đầu đi làm. Trên đường đi làm mấy ngày trước, cô đột nhiên cảm thấy bụng đau nhói, lúc đầu còn tưởng là do mình ăn phải thứ gì không tốt nên không để ý mà tiếp tục đi làm.
Nhưng ngay khi bước được một chân vào công ty, cô ngã khuỵu xuống và được đồng nghiệp đưa đến bệnh viện vì cô đau đến mức không thể đứng thẳng lưng, đồng thời đổ mồ hôi đầm đìa.
Khi đến bệnh viện, Tiểu Vương được chẩn đoán bị sỏi thận. Cô ấy đã rất lo lắng khi biết tin, vì vốn dĩ đây là căn bệnh không thể xem nhẹ. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra kỹ hơn, bác sĩ nói rằng viên sỏi tương đối nhỏ và nằm ở bên ngoài, không cần điều trị bằng phẫu thuật.
Bác sĩ cho toa thuốc và bảo Tiểu Vương uống nhiều nước, tập thể dục nhiều hơn. Lúc này Tiểu Vương mới cảm thấy nhẹ nhõm đôi chút, để việc tống khứ sỏi thận diễn ra suôn sẻ, cô đã cẩn thận làm theo lời khuyên của bác sĩ. Một tuần sau, Tiểu Vương đến bệnh viện một lần nữa để kiểm tra lại và phát hiện ra rằng viên đá đã được đào thải ra khỏi cơ thể!
Trên thực tế, sỏi thận là căn bệnh phổ biến. Tại đất nước tỷ dân, theo thống kê, có khoảng 5,8% người trưởng thành Trung Quốc mắc bệnh sỏi thận. Theo tính toán đơn giản, cứ 17 người trưởng thành thì có ít nhất một người bị sỏi thận. Còn tại Việt Nam, theo các thống kê y học, tỷ lệ mắc sỏi tiết niệu từ 2-12%, trong đó sỏi thận chiếm tới 40%. Với số liệu này, Việt Nam được coi là nước có tỷ lệ mắc bệnh sỏi thận cao nhất thế giới.
Vậy tại sao sỏi thận lại phổ biến như vậy?
Theo bác sĩ tiết niệu Jia Shuaijun (Trung Quốc), sỏi thận được hình thành do sự tích tụ quá nhiều canxi, oxalate, axit uric, protein và các chất khác trong nước tiểu. Khi những chất này hiện diện với nồng độ cao trong nước tiểu, các tinh thể nhỏ sẽ hình thành, sau đó chúng kết hợp với nhau để tạo thành những viên sỏi riêng lẻ với nhiều kích cỡ khác nhau.
Có nhiều nguyên nhân gây ra sỏi thận, tuy nhiên, phổ biến nhất phải kể đến 4 thói quen xấu trong sinh hoạt dưới đây mà cực nhiều người mắc phải:
1. Thói quen ăn uống xấu
Thường xuyên ăn thực phẩm chứa nhiều purine như nội tạng động vật, hải sản, nước dùng, thịt bò, thịt lợn... purine sau khi vào cơ thể cuối cùng sẽ được chuyển hóa thành axit uric, khiến axit uric trong nước tiểu tăng cao. Theo thời gian, sỏi axit uric có thể hình thành, cuối cùng dẫn đến sỏi thận.
Hấp thụ quá nhiều protein cũng sẽ thúc đẩy bài tiết canxi qua nước tiểu, dẫn đến tăng canxi niệu. Thực phẩm nhiều đường và nhiều chất béo chứa nhiều đường lactoza, có thể thúc đẩy quá trình hấp thụ canxi và khiến canxi oxalat lắng đọng trong cơ thể, điều này cũng sẽ làm tăng tỷ lệ mắc bệnh sỏi thận.
2. Ít vận động
Nếu bạn luôn ngồi hoặc nằm và không vận động thì canxi sẽ được tách ra khỏi xương của chúng ta vào máu và đi vào nước tiểu, dẫn đến sỏi axit uric và cuối cùng làm tăng tỷ lệ mắc bệnh sỏi thận.
3. Uống quá ít nước
Nếu không uống đủ nước trong thời gian dài sẽ dẫn đến lượng nước tiểu ít, mức lọc cầu thận giảm, dễ khiến nồng độ nước tiểu ban đầu sau khi tái hấp thu quá cao, dẫn đến kết tủa các chất tinh thể trong nước tiểu, rồi kết tụ lại tạo thành sỏi.
4. Thói quen thức đêm
Thói quen này sẽ gây tổn thương nhất định cho thận, đặc biệt khi thức khuya, nhiều người còn thích ăn tối, đặc biệt là những thực phẩm chứa nhiều purin như bia, hải sản, có thể nói là hại kép đến thận, tỷ lệ mắc sỏi đương nhiên sẽ tăng cao.
3 dấu hiệu cảnh báo bạn bị sỏi thận
- Đau dữ dội ở thắt lưng: Cơn đau dữ dội này thường lan xuống dưới, thậm chí tới bụng dưới và đùi trong.
- Tần suất đi tiểu tăng và gấp gáp: Sỏi thận có thể kích thích bàng quang, làm cho tần suất đi tiểu và gấp gáp hơn. Nếu bạn thường cảm thấy muốn đi vệ sinh nhưng mỗi lần chỉ tiểu được một lượng nhỏ hoặc nếu bạn chỉ tiểu được vài giọt nước tiểu trong trường hợp đã rất buồn tiểu rồi, bạn có thể bị sỏi thận.
- Tiểu ra máu: Đó có thể là kết quả của việc sỏi thận cọ xát vào thành niệu đạo. Tình trạng này thường không kèm theo đau.
Làm tốt 4 điều này mới tránh được sỏi thận
1. Uống nhiều nước
Thiếu nước là một trong những nguyên nhân chính hình thành sỏi thận. Nếu cơ thể thiếu nước, muối và canxi trong nước tiểu sẽ bị cô đặc quá mức, tạo thành tinh thể và cuối cùng hình thành sỏi thận.
Do đó, duy trì lượng nước đầy đủ là chìa khóa để ngăn ngừa sỏi thận mọi lúc. Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, bạn nên uống đủ 8-10 cốc nước mỗi ngày để đảm bảo lưu lượng nước tiểu.
2. Giảm ăn khẩu phần giàu đạm
Chế độ ăn giàu protein là một nguyên nhân quan trọng khác hình thành sỏi thận. Khi cơ thể tiêu hóa protein, nó sẽ tạo ra một chất gọi là ure. Ure sau khi chuyển hóa trong cơ thể sẽ sinh ra amoniac và một số chất có hại khác, sẽ khiến cơ thể lắng đọng canxi quá mức, thúc đẩy hình thành sỏi thận.
Do đó, giảm một cách hợp lý lượng thức ăn giàu protein rất có lợi cho việc ngăn ngừa sỏi thận. Nên chọn một số thực phẩm ít đạm, nhiều chất xơ trong chế độ ăn hàng ngày như các sản phẩm từ đậu tương, bánh mì nguyên cám, rau củ…
3. Kiểm soát lượng muối ăn vào
Chế độ ăn nhiều muối được chứng minh là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tật, và bệnh sỏi thận cũng không ngoại lệ. Chế độ ăn nhiều muối làm tăng nồng độ ion natri trong nước tiểu, dẫn đến nước tiểu cô đặc, làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.
Do đó, việc kiểm soát lượng muối ăn vào trong chế độ ăn thông thường là rất cần thiết. Nên giảm lượng muối sử dụng trong khẩu phần ăn hàng ngày và chọn những thực phẩm ít natri như rau tươi, trái cây, thịt gà...
4. Tập thể dục đúng cách
Vận động thích hợp có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất của cơ thể, nâng cao khả năng miễn dịch, đồng thời cũng giúp điều chỉnh lượng nội tiết tố bên trong cơ thể. Tất cả đều giúp giảm nguy cơ hình thành sỏi thận.
Do đó, cần tham gia một số môn thể thao phù hợp trong cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn như đi bộ, chạy bộ, đạp xe... Tuy nhiên, cần lưu ý trong quá trình tập luyện nên bổ sung nước đầy đủ để tránh triệu chứng mất nước.
Nguồn và ảnh: Kknews, Healthline