Mới đây, công chúng bất ngờ trước thông tin nghệ sĩ Phước Sang phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch vì bị đột quỵ não. Thông tin trên được lãnh đạo khoa Tim mạch cấp cứu can thiệp, Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM), nơi đang điều trị cho bệnh nhân Lưu Phước Sang (SN 1969, tức đạo diễn, diễn viên Phước Sang) xác nhận.
Nghệ sĩ Phước Sang nhập viện vì đột quỵ não
Bệnh nhân nhập viện gần 2 tuần trước, với chẩn đoán đột quỵ tắc mạch máu não nguy hiểm. Sau khi tiếp nhận, ê-kíp điều trị đã tiến hành can thiệp nội mạch, mổ hút huyết khối cho bệnh nhân.
Hậu phẫu, bệnh nhân được điều trị nội khoa tích cực, kèm tập vật lý trị liệu. Đến nay, bệnh nhân đã qua giai đoạn nguy hiểm, hồi phục tốt, có thể sinh hoạt trở lại.
Được biết đây không phải lần đầu Phước Sang đối mặt với tình trạng đột quỵ. Cách đây 11 năm, nam nghệ sĩ bị đột quỵ ngay trước ngày ra mắt phim "Yêu em, anh dám không" do anh đầu tư sản xuất. Phước Sang có tiền sử bị cao huyết áp và chịu một số di chứng của đột quỵ lần trước. Nam nghệ sĩ từng nói, thể trạng của anh chỉ tầm 70-80% so với người bình thường.
Đột quỵ lần 2 nguy hiểm thế nào?
Đột quỵ, tên gọi khác là tai biến mạch máu não, là tình trạng máu không lưu thông ảnh hưởng đến một vùng não. Đột quỵ xảy ra sau khi tắc nghẽn hoặc vỡ mạch máu và gây ra cái chết của các tế bào thần kinh, khiến các tế bào này bị thiếu oxy và các chất dinh dưỡng cần thiết để thực hiện các chức năng.
Đột quỵ lần 2 thường liên quan đến một số yếu tố nguy cơ cụ thể và hậu quả thường nặng hơn so với lần đầu tiên nguy cơ tử vong hoặc tàn tật gia tăng đáng kể. Do đó, dù người bệnh có được đưa đến bệnh viện kịp thời thì nguy cơ di chứng sau đột quỵ cũng sẽ cao hơn so với đột quỵ lần đầu.
Ảnh minh họa
Bị đột quỵ lần 2 có phục hồi được không?
Thông thường, người bị đột quỵ lần thứ 2 vẫn có khả năng phục hồi nhưng khả năng phục hồi kém hơn người bị đột quỵ lần đầu. Tuy nhiên, tỷ lệ phục hồi sau đột quỵ lần thứ 2 còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
- Mức độ nghiêm trọng của đột quỵ lần thứ 2
- Vị trí của đột quỵ lần thứ 2 (khả năng phục hồi thấp hơn nếu vị trí đột quỵ não lần 2 giống với lần đầu tiên)
- Tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh
- Khả năng tiếp cận và tuân thủ các phương pháp điều trị và phục hồi sau đột quỵ
- Chế độ dinh dưỡng lành mạnh giúp người bệnh mau chóng phục hồi khi bị đột quỵ lần 2.
Ai có nguy cơ cao bị đột quỵ
Người đã từng bị đột quỵ
Họ có nguy cơ cao xảy ra đột quỵ lần nữa, nhất là trong vài tháng đầu sau cơn đột quỵ ban đầu.
Gia đình có người bị đột quỵ
Nếu gia đình có người thân từng bị đột quỵ, bạn có thể tăng nguy cơ đột quỵ do thói quen sống hoặc do yếu tố di truyền.
Người mắc bệnh đái tháo đường
Đái tháo đường là một bệnh mạn tính, thường diễn tiến âm thầm, dễ dẫn đến các biến chứng về tim mạch, tổn thương thần kinh, mắt, thận... Người bị đái tháo đường có nguy cơ đột quỵ cao hơn từ 2 đến 4 lần so với người bình thường.
Mắc bệnh cao huyết áp
Huyết áp cao có thể gây ra bệnh về mạch máu, bao gồm cả bệnh tim và não. Bệnh có thể dẫn đến sự phát triển của những mạch máu khiếm khuyết, hình dạng bất thường. Chúng có thể bị vỡ nếu nó bị tác động bởi sự thay đổi huyết áp lớn.
Người bị cholesterol cao
Cholesterol cao có thể hủy hoại các lớp áo trong của mạch máu khắp cơ thể, đặc biệt là tim và não. Cholesterol có xu hướng hình thành và gây xơ cứng mạch máu, tăng nguy cơ máu bị đóng cục, cản trở việc cung cấp máu lên não.
Người có bệnh lý về tim mạch
Những người bị một số bệnh lý về tim mạch như rung nhĩ, nhồi máu cơ tim, suy tim... thường có nguy cơ đột quỵ rất cao.
Người nghiện thuốc lá
Thường xuyên hút thuốc lá gây viêm trong mạch máu, có thể hình thành cục máu đông, tăng nguy cơ đột quỵ. Theo nghiên cứu, những người hút thuốc lá ít hơn 11 điếu trong một ngày có khả năng bị đột quỵ cao hơn 46% so với những người không hút. Khi hút hai gói thuốc một ngày có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 5 lần. Bỏ thuốc lá là lựa chọn tốt nhất để giảm thiểu nguy cơ đột quỵ.
Cách phòng ngừa đột quỵ tái phát
Ảnh minh họa
- Kiểm soát huyết áp: Huyết áp cao là yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến đột quỵ. Điều chỉnh lối sống và/hoặc sử dụng thuốc giảm huyết áp theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Kiểm soát tiểu đường: Điều chỉnh chế độ ăn, vận động và dùng thuốc theo chỉ dẫn để kiểm soát đường huyết cũng sẽ giúp bạn hạn chế nguy cơ bị đột quỵ lần 2.
- Giảm thiểu cholesterol xấu: Nên ăn một chế độ ăn giàu hoa quả, rau và ngũ cốc nguyên hạt. Tránh thức ăn có chứa chất béo bão hòa.
- Tập thể dục đều đặn: Vận động giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ đột quỵ.
- Kiểm soát cân nặng: Tránh tăng cân quá nhanh và giữ cân nặng ở mức lý tưởng. Những người béo phì có thể cần phải giảm cân để tránh đột quỵ tái phát.
- Kiêng rượu bia, thuốc lá: Thuốc lá, rượu bia, đồ uống có ga... nên loại bỏ sớm khỏi thực đơn của người bị đột quỵ.
- Uống thuốc đều đặn: Người bệnh từng bị đột quỵ cần tuân thủ chỉ dẫn dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không ngừng thuốc hoặc tự thay đổi liều lượng thuốc mà không có sự đồng ý của bác sĩ.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ: Người đã từng bị đột quỵ cần được kiểm tra sức khỏe định kỳ và tầm soát giúp kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ.
Cách xử trí khi gặp người bị đột quỵ
– Đỡ người bệnh để không bị té ngã chấn thương.
– Để người bệnh nằm xuống chỗ thoáng, nghiêng qua một bên nếu nôn ói, móc hết đàm nhớt cho bệnh nhân dễ thở.
– Gọi xe đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.
– Nếu bệnh viện gần nhà có đủ điều kiện chữa trị thì không nên chuyển đến viện xa, trừ khi Bác sĩ có chỉ định, vì càng di chuyển xa càng có thể làm bệnh nặng hơn.
– Không tự ý cho uống hoặc nhỏ thuốc hạ huyết áp hay bất kỳ loại thuốc nào khác.
– Không cho bệnh nhân ăn.