1. Nguyên nhân dẫn đến hình thành sỏi thận
Sỏi tiết niệu là những phân tử rắn được hình thành do sự kết tinh tự nhiên của các tinh thể vô cơ trong nước tiểu. Sỏi có thể hình thành từ nhiều loại khoáng chất nhưng loại phổ biến nhất là canxi oxalate. Chúng có nhiều khả năng phát triển trong nước tiểu đậm đặc.
Sự hình thành sỏi có thể do các yếu tố như tiền sử gia đình, bệnh thận tiềm ẩn, béo phì, đái tháo đường, viêm ruột, đặc biệt chế độ là chế độ ăn uống thiếu khoa học, tiêu thụ nhiều muối và uống không đủ nước.
Các triệu chứng sỏi thận có thể bao gồm dấu hiệu đau thắt lưng một bên hoặc cả hai bên, buồn nôn, nôn, sốt, ớn lạnh, tiểu rắt, tiểu són và nước tiểu có máu. Cơn đau có thể đau âm ỉ, từng cơn hoặc đau dữ dội liên tục nếu gây tắc đường niệu…
Hình ảnh sỏi thận.
Theo BSCKII. Trịnh Hùng, Phó Trưởng Khoa Nội Thận khớp, Bệnh viện 198, có nhiều nguyên nhân gây ra sỏi thận như: Uống không đủ nước hoặc nhịn tiểu thường xuyên; Chế độ ăn uống không hợp lý (ăn mặn, ăn nhiều đạm…); Sử dụng thuốc không đúng cách; Mắc một số bệnh lý như viêm loét dạ dày, tiêu chảy, Crohn, trào ngược bàng quang - niệu quản, túi thừa bàng quang, nhiễm trùng đường tiết niệu…
Người bệnh cần được bác sĩ chuyên khoa khám và tư vấn dùng thuốc, chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp để tránh biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống
.2. Vai trò của nước trong phòng và điều trị sỏi thận
Nước cần thiết cho hoạt động của nhiều cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là thận. Thận thực hiện chức năng lọc chất lỏng ra khỏi máu và hệ thống tiết niệu sau đó thải ra dịch lọc cô đặc dưới dạng nước tiểu. Nguyên nhân hàng đầu gây ra sỏi thận là do cơ thể thiếu nước và phần lớn người bệnh sỏi thận thường không uống đủ lượng nước khuyến nghị hàng ngày.
Nghiên cứu cho thấy, nước có thể giúp ngăn ngừa sự hình thành sỏi ban đầu. Uống nhiều nước có thể giúp ngăn ngừa tái phát ở những người đã từng bị sỏi thận. Uống nhiều nước sẽ làm tăng khối lượng nước tiểu đi qua thận, giúp làm loãng nồng độ của các khoáng chất, vì vậy chúng ít có khả năng kết tinh và tạo thành cục. Uống nhiều nước cũng là một cách đơn giản để giảm nguy cơ phát triển nhiễm trùng đường tiểu và giúp điều trị nhiễm trùng đường tiểu.
Do đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo, đối với một người khỏe mạnh bình thường nên uống khoảng 8 ly nước, tương đương 2 lít nước mỗi ngày để bù đắp lượng chất lỏng bị loại bỏ dưới dạng nước tiểu và mồ hôi. Đây là tổng lượng chất lỏng chúng ta cần cung cấp cho cơ thể, bao gồm nước lọc và các loại đồ uống cùng thực phẩm chứa nhiều nước khác. Trong trường hợp tập thể dục ra nhiều mồ hôi, hoạt động ngoài trời nắng nóng cần uống nhiều nước hơn. Đối với người bị sỏi thận, việc uống đủ nước càng trở nên quan trọng hơn.
Nếu người bệnh uống đủ nước có thể giúp đẩy sỏi ra ngoài. Uống nhiều nước hơn lượng nước tiểu thải ra nhiều hơn, điều này có nghĩa là lượng muối và khoáng chất dư thừa sẽ được thải ra khỏi cơ thể. Ngoài ra, nước còn giúp di chuyển sỏi qua đường tiết niệu và được đào thải qua nước tiểu.
Uống nhiều nước giúp phòng ngừa và điều trị sỏi thận.
Ngoài ra cần lưu ý hạn chế tiêu thụ nhiều caffeine (trà và cà phê), nước có gas, đồ uống có chất làm ngọt nhân tạo, tránh uống rượu vì rượu khiến cơ thể mất nước nghiêm trọng. Lý do uống rượu làm cơ thể mất nước là vì các chất chuyển hóa từ rượu làm tăng nhu cầu đào thải qua thận sẽ dẫn đến tăng lượng nước tiểu. Việc tăng sản xuất nước tiểu, đổ mồ hôi, nôn mửa và tiêu chảy do uống rượu khiến cơ thể mất nước nhiều hơn.
Theo BSCKII. Trịnh Hùng, người mắc sỏi thận cần lưu ý uống đủ nước 2 - 3 lít/ngày. Nên ăn nhiều chất xơ và rau. Đồng thời cần giảm đạm 0.8-1g/kg/ngày, giảm muối 4-5g/ngày trong khẩu phần ăn. Cần lưu ý tránh bổ sung quá nhiều vitamin C, calci không quá 1-1.2g/ngày. Kết hợp duy trì các hoạt động thể lực và tránh căng thẳng trong cuộc sống. |