Như chúng ta đã biết, mạch máu một trong những bộ phận trọng yếu nắm giữ sinh mệnh của con người. Mạch máu khỏe mạnh, thông thoáng sẽ giúp cung cấp máu và chất dinh dưỡng đến các cơ quan trong cơ thể kịp thời để duy trì các hoạt động thường ngày.
Nhiều nghiên cứu khoa học cũng đã chỉ ra rằng sự thông thoáng của mạch máu có ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe và tuổi thọ của con người.
Ngược lại, các bệnh lý về mạch máu có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống của chúng ta. Theo đó, để nhận biết mạch máu có khỏe mạnh hay không, mọi người có thể căn cứ vào 3 đặc điểm khi thức dậy vào buổi sáng. Những người có “3 không” khi thức dậy thường là người có mạch máu thông thoáng, khỏe mạnh.
“3 không” khi thức dậy chứng tỏ mạch máu khỏe mạnh
1. Không bị khó thở
Thức dậy trong tình trạng khó thở và chỉ cải thiện khi ngồi dậy có thể là dấu hiệu cảnh báo suy tim gây tích tụ chất lỏng trong phổi.
Bác sĩ Jim Liu, bác sĩ tim mạch tại Trung tâm Y tế Wexner thuộc Đại học bang Ohio, Mỹ cho biết: “Tình trạng khó thở thường xuất hiện khi bạn nằm thẳng. Suy tim có thể khiến cơ tim không thể bơm máu hiệu quả, từ đó có thể khiến lượng chất lỏng trong phổi tăng lên hoặc gây tắc mạch phổi và dẫn đến tình trạng khó thở”.
Khó thở có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng suy tim hoặc tắc nghẽn mạch phổi. (Ảnh minh họa)
2. Không bị tức ngực
Thông thường, những người có tim khỏe và mạch máu thông thoáng sẽ không bị tức ngực khi thức dậy.
Theo đó, đau tức ngực vào buổi sáng có thể là dấu hiệu nhận biết của tình trạng mạch máu tắc nghẽn khiến tim không nhận đủ máu và gây nhồi máu cơ tim (đau tim).
Bác sĩ John Higgins, bác sĩ tim mạch của UT Health Houston, Mỹ nói: “6 rưỡi sáng là thời điểm dễ lên cơn đau tim nhất”.
Chuyên gia giải thích: “Do đây là thời điểm hệ thống sinh học trong cơ thể tiết ra một lượng lớn hormone căng thẳng và chất ức chế hoạt hóa plasminogen. Điều này có thể khiến máu đặc hơn, tăng nguy cơ hình thành cục máu đông và gây tắc mạch”.
Đau tức ngực vào buổi sáng có thể là dấu hiệu nhận biết của tình trạng mạch máu tắc nghẽn. (Ảnh minh họa)
3. Không bị tê hoặc chuột rút ở chân
Chân là bộ phận cách xa tim nhất, do đó máu lưu thông đến khu vực này cũng mất nhiều thời gian hơn.
Mạch máu bị tắc nghẽn có thể gây thiếu hụt dưỡng chất ở các chi, dẫn đến tình trạng tê chân hoặc chuột rút. Tê bì chân cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo của cơn đột quỵ, do đó mọi người cần cẩn trọng.
Còn chuột rút ở chân có thể là dấu hiệu của bệnh động mạch ngoại biên, khiến lưu lượng máu đến chân giảm xuống. Bệnh động mạch ngoại biên là bệnh lý tắc nghẽn mạch máu ngoại biên, do các mảng xơ vữa và huyết khối, thường gặp nhất là các tổn thương động mạch vùng tiểu khung, chi dưới và chi trên.
Tiến sĩ Adam Staten, Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS), Anh cho biết: “Khi bệnh tiến triển nặng hơn, các động mạch có thể trở nên hẹp hơn, khiến lượng máu chảy xuống chân chậm hơn, các cơ bắp cũng không nhận đủ máu để hoạt động bình thường. Điều này có thể gây ra tình trạng chuột rút ở chân ngay cả khi nằm thẳng”.
Tê hoặc chuột rút ở chân có thể cảnh báo vấn đề sức khỏe tim mạch. (Ảnh minh họa)
Các vấn đề ở mạch máu thường diễn tiến âm thầm, khiến người bệnh dễ bỏ qua các triệu chứng ban đầu. Điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, khiến bệnh diễn tiến nặng, từ đó tăng nguy cơ gặp biến chứng và khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn.
Do đó, nếu cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường khi thức dậy, mọi người nên đi khám sớm để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời (nếu có).