Rau dền được trồng cách đây ít nhất 6.000 năm và được dùng làm thực phẩm ở châu Mỹ, châu Phi và vùng núi Hymalaya. Ở nước ta, rau dền là loại rau phổ biến, có thể chế biến thành các món luộc, xào, canh.
Mùa hè, ăn bát canh rau dền nấu chút tôm hoặc đĩa rau dền luộc, nước luộc thêm quả cà chua, vắt chút chanh rất dễ ăn. Còn trong Y học cổ truyền phương Đông còn sử dụng rau dền để làm thuốc.
Người đái tháo đường được khuyến cáo nên tăng rau xanh trong khẩu phần ăn nhưng một số người kiêng rau dền vì lo sợ bản thân có biến chứng sang suy thận thì không được ăn rau dền.
Thực tế, các chuyên gia cho biết, từ khẩu phần ăn cho đến kiểu ăn kiêng, mọi thứ đều tạo ra sự khác biệt rất lớn. Có rất nhiều điều nên và không nên khi nói đến sức khỏe và chế độ ăn uống của bệnh nhân đái tháo đường.
Tuy nhiên, một chế độ ăn kiêng hạn chế đối với người mắc đái tháo đường không có nghĩa là người bệnh chỉ nên ăn một loại thực phẩm. Có nhiều loại thực phẩm không chỉ là một món ngon với hương vị mới hơn mà còn có thể đảm bảo bạn đáp ứng được yêu cầu dinh dưỡng của mình.
Rau dền là món ăn thanh mát.
1. Rau dền chứa nhiều chất dinh dưỡng và nguyên tố vi lượng thiết yếu
Thông tin trên Indianexpress cho biết, nhà dinh dưỡng học Lovneet Batra đã chia sẻ rau dền là một nguồn tuyệt vời cung cấp các chất dinh dưỡng và nguyên tố vi lượng thiết yếu, đồng thời thêm hương vị cho chế độ ăn uống.
Ngoài ra, bạn đọc có thể tham khảo một số công dụng dưới đây của rau dền được đăng tải trên trang này:
Khả năng hỗ trợ giảm cholesterol
Một trong những lợi ích sức khỏe quan trọng của lá rau dền là khả năng hỗ trợ làm giảm mức cholesterol trong máu của bạn. Do chứa nhiều chất xơ nên loại rau ăn lá này có tác dụng hỗ trợ làm giảm nồng độ LDL trong máu. Tocotrienols, một loại vitamin E có sẵn trong rau dền, cũng góp phần vào khả năng hỗ trợ giảm cholesterol của nó.
Một số nghiên cứu cho thấy, lá rau dền có hoạt động chống tăng đường huyết và do đó, hỗ trợ làm giảm lượng đường trong máu ở bệnh nhân đái tháo đường type 2. Protein trong lá giúp giảm nồng độ insulin trong máu và cũng giải phóng một loại hormone làm giảm cơn đói và ngăn chặn tình trạng ăn quá nhiều.
Hỗ trợ giảm nguy cơ thiếu canxi
Canxi đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và duy trì xương khỏe mạnh vì nó hỗ trợ quá trình khoáng hóa. Lá rau dền có chứa canxi, là thực phẩm có thể góp phần giúp xương phát triển khỏe mạnh, hỗ trợ ngăn ngừa loãng xương.
Bảo vệ chống lại các gốc tự do gây lão hoá
Sự hiện diện của lysine (một axit amin thiết yếu) cùng với vitamin E, sắt, magiê, phốt pho, kali và vitamin C giúp chống lại các gốc tự do gây lão hóa và hình thành các tế bào ác tính.
Canh rau dền nấu tôm.
2. Người bệnh đái tháo đường cần lưu ý gì khi ăn rau dền?
Lương y Minh Phúc thông tin trên Báo Sức khoẻ & Đời sống: Những người bị tăng huyết áp, tim mạch nên ăn rau dền. Rau dền rất giàu kali 500mg, là chất có vai trò cho sự hoạt động bình thường của cơ tim. Rau dền tác dụng thanh nhiệt, mát gan, hỗ trợ điều trị tăng huyết áp "thể can hỏa vượng", biểu hiện đau đầu chóng mặt, bốc nóng lên đầu và có tác dụng lợi tiểu, giảm bớt thể tích máu cũng giúp hạ huyết áp.
Ngoài ra, rau dền có chứa hàm lượng chất xơ cao giúp phòng ngừa bệnh đái tháo đường một cách hiệu quả. Đối với những bệnh nhân đái tháo đường type 2, việc bổ sung rau dền sẽ giúp ổn định đường huyết tốt hơn.
Đối với bệnh nhân mắc đái tháo đường, kèm táo bón, đây là loại rau rất tốt vì rau dền giàu magiê (105mg), magie chính là chất có vai trò trong điều trị đái tháo đường. Rau dền có chứa hàm lượng chất xơ cao giúp người bệnh đái tháo đường ngừa táo bón một cách hiệu quả ngừa.
Tuy nhiên, theo TS. BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường Bệnh viện Bạch Mai, người bệnh đái tháo đường có biến chứng suy thận cần lưu ý: Rau dền có lượng đạm nhiều hơn các loại rau khác nên với bệnh nhân đái tháo đường có biến chứng suy thận cần hạn chế đạm thì cũng cần hạn chế ăn rau dền, nhưng không phải là kiêng hoàn toàn món rau dền mà chỉ nên thỉnh thoảng ăn với số lượng ít.
Những món ăn cần tiết giảm như rau dền còn tuỳ thuộc vào mức độ suy thận của người bệnh. Do đó, tốt nhất khi có băn khoăn về các món nên ăn và không nên ăn, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị.
TS. BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường Bệnh viện Bạch Mai