Sự việc xảy ra vào tối ngày 15/10, một người đàn ông khoảng 30 tuổi đang chạy bộ tại Công viên Thanh Xuân (Hà Nội) bất ngờ ngã gục. Mọi người xung quanh liền gọi cấp cứu, đưa anh vào Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nhưng anh đã không qua khỏi. Anh được xác định đã tử vong ngoại viện.
PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, Giảng viên trường Đại học Y dược TP.HCM - Phó Chủ tịch thường trực Hội Phẫu thuật lồng ngực và tim mạch TP.HCM cho hay, đột tử có thể xảy ra ở bất cứ ai khi chơi thể thao đối kháng hoặc những bộ môn cần nhiều sức như chạy đường dài, chạy thi đấu… Đặc biệt, với các trường hợp nếu chạy hoặc tập luyện gắng sức sẽ ảnh hưởng tới tim mạch. Do vậy, tuỳ theo lứa tuổi, thể trạng sức khoẻ, bệnh lý cần phải lựa chọn bộ môn rèn luyện sức khoẻ phù hợp.
Theo đó, PGS Nguyễn Hoài Nam cho rằng, ở tuổi từ 30 trở lên thì không nên chơi những bộ môn đối kháng cao. Vì khi cơ thể hoạt động ở cường độ cao sẽ tiết ra adrenaline và hormone gây căng thẳng cortisol gây ra co thắt mạch và có thể dẫn tới đột tử. Dưới 30 tuổi có thể chơi những môn thể thao đối kháng được, nhưng không gắng sức.
Đột tử (Ảnh minh hoạ)
BSCKII Nguyễn Thế Huy, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E, cho biết đột tử có thể xảy ra ở bất cứ ai nếu không được tầm soát yếu tố nguy cơ, đặc biệt với nhóm ít chơi thể thao nhưng lại gắng sức.
Đột tử được chia thành 2 nhóm: Nhóm thứ nhất là những người đang khỏe mạnh; Nhóm thứ hai là những người mắc bệnh tim mạch.
Ở nhóm người trẻ tuổi, trung niên, đột tử thường liên quan tới bệnh lý tim mạch như cơ tim phì đại, bệnh lý giãn động mạch trong tim, bệnh lý rối loạn dẫn truyền trong tim (brugada) hoặc bệnh lý tim bẩm sinh.
Đột tử cũng xảy ra ở nhóm người có bất thường mạch vành. Nhóm bệnh nhân này có thể xảy ra đột tử bất cứ lúc nào. Đa phần các bệnh nhân đều có diễn biến đột ngột, không có dấu hiệu báo trước.
Bác sĩ Huy khuyến cáo đối với người khỏe mạnh nhưng trong gia đình có người tử vong đột ngột không có nguyên nhân, mọi người nên đi kiểm tra xem bản thân có mắc các bất thường về tim mạch hay không. Nếu tim có bất thường, bác sĩ sẽ tiến hành can thiệp sớm để phòng ngừa đột tử.
PGS Nguyễn Hoài Nam cho biết, ở nước ngoài, để đảm bảo an toàn trước khi chơi bộ môn thể thao nào đó hay chạy bộ, mọi người thường tới gặp các bác sĩ thể thao để được thăm khám. Bác sĩ chuyên khoa sẽ đánh giá nguy cơ tim mạch: đo tiện tim, làm điện tim gắng sức, siêu âm tim, siêu âm tim gắng sức… Khi có kết quả kiểm tra, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên về bộ môn thể thao phù hợp.
"Chơi thể thao là tốt nhưng phải lựa chọn bộ môn thể thao phù hợp với lứa tuổi, sức khoẻ và bệnh lý nền. Cần phải phân biệt rõ tập thể dục và chơi thể thao cường độ sẽ khác nhau.
Đối với tập thể dục, cường độ thường chỉ nhẹ nhàng, thư thái, ít mất sức, không có gắng sức thì không cần phải kiểm tra sức khoẻ trước khi chơi. Còn đối với chơi thể thao cường độ hoạt động cao cần phải có sự đánh giá sức khoẻ để đảm bảo an toàn đi chơi. Thậm chí cần phải có đánh giá 6 tháng/lần từ bác sĩ chuyên khoa thể dục thể thao", PGS Nam nói.
Theo các chuyên gia, để phòng ngừa đột tử khi chơi thể thao, mọi người cần lưu ý:
- Lựa chọn bộ môn phù hợp, khi tập tự lượng sức mình.
- Nếu muốn chinh phục thử thách thì cần phải có thời gian luyện tập, ví dụ như chạy sẽ luyện tập từ cự ly ngắn tới xa.
- Phải vận động thật kỹ trước khi chạy hoặc chơi thể thao để các cơ quan, tim phổi có thời gian để thích nghi.
- Lưu ý chế độ ăn, uống phù hợp, bổ sung nước điện giải. Nếu không tuân thủ có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ.