Vào tối ngày 30/7 năm ngoái, khi ông Trần đi làm về, khát nước quá nên đã uống bát canh đầu cá mà vợ nấu. Được vài ngụm thì ông ngay lập tức cảm thấy ngứa ran trong cổ họng.
Nghĩ là bị hóc xương, ông nhanh chóng ăn thêm vài miếng cơm và uống giấm, nhưng tình trạng không cải thiện chút nào. Vợ giục đi bệnh viện nhưng ông Trần lo lắng việc đi khám trong đợt dịch có thể sẽ gặp nhiều rủi ro nên đã quyết định không đi.
Sau 3 ngày, cơn đau của ông Trần vẫn chưa thuyên giảm. Vào tối ngày 2/8, ông bắt đầu nôn ra máu, cứ cách một tiếng lại nôn ra một lần, mỗi lần nôn ra lượng máu đựng đầy cả một cái bát to.
Hai giờ sáng, ông Trần được vợ con nhanh chóng đưa đến Khoa Cấp cứu của Bệnh viện trực thuộc Đại học Trung y Quảng Châu. Giáo sư Wang Jiyong, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch cho biết, một chiếc xương cá dài gần 4cm đã mắc kẹt ở phần trên thực quản của ông Trần. Nó đâm vào thực quản, động mạch chủ ngực, đây là nguyên nhân khiến bệnh nhân bị nôn ra máu.
Sau khi đến bệnh viện, ông Trần vẫn tiếp tục nôn ra máu, các bác sĩ đã không thể cho ông làm xét nghiệm axit nucleic mà ngay lập tức đặt nội khí quản để hô hấp nhân tạo và truyền một lượng lớn máu. Dù đã được bác sĩ hết lòng cứu chữa, ông Trần vẫn không thể qua khỏi.
Ông mất vào tối ngày 3/8, hưởng dương 45 tuổi, để lại hai đứa con thơ dại. Phần xương ở đầu cá tương đối lớn và cứng, đây chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thảm kịch của ông Trần.
Qua sự việc này, giáo sư Wang Jiyong nhận định: Ngay cả khi một chiếc xương cá nhỏ bị mắc kẹt, nguy cơ chảy máu hoặc thậm chí tử vong vẫn là tương đối cao. Ngoài các loại xương cá lớn, một số loại xương gà, xương vịt, xương sườn cừu nhỏ… cũng có thể bị mắc kẹt trong thực quản. Vì tương đối cứng nên chúng sẽ ăn mòn dần dần, đâm thủng thực quản và động mạch chủ, thậm chí gây thương tích dẫn đến tử vong.
Các dị vật này thường dễ bị kẹt ở 3 điểm thắt chặt sinh lý tự nhiên của thực quản. Nguy hiểm nhất là mắc kẹt ở điểm thứ hai, đoạn gần với cung động mạch chủ. Trên lâm sàng, có trường hợp nuốt phải xương cá vào dạ dày, đâm thủng dạ dày và làm thủng các cơ quan trong ổ bụng (như tụy tạng), nhưng xác suất này rất nhỏ.
Các cách chữa hóc xương dân gian như nuốt cơm và uống giấm không hoàn toàn vô dụng, nếu may mắn, bạn cũng có thể loại bỏ được xương cá nhỏ như hình ảnh minh họa bên dưới đây.
Nếu bạn may mắn, xương sẽ bị miếng cơm cuốn đi
Tuy nhiên, việc làm này cũng có thể gây ra những hậu quả khó lường.
Còn không, nó sẽ nguy hiểm như thế này
3 bước có thể cứu sống bạn khi bị hóc xương
Do đó, khi bị hóc xương, tốt nhất bạn nên thực hiện theo 3 bước sau:
- Hãy thử khò để xem xương cá có "rơi ra" được không. Nếu xương cá nhỏ, cố gắng ho mạnh, nó có thể rơi ra theo luồng không khí.
- Nếu phần xương cá lộ rõ, người nhà hãy thử gắp nó ra bằng nhíp. Nhờ người nhà soi đèn pin, nếu mắc kẹt ở vị trí có thể nhìn thấy bằng mắt thường, bạn có thể dùng nhíp để gắp nó ra.
- Nhanh chóng đến bệnh viện! Nếu bạn không thực hiện được 2 việc trên, hãy đến bệnh viện để lấy nó càng sớm càng tốt!
Nguồn: Bệnh viện trực thuộc đầu tiên của Đại học Trung y Quảng Châu