Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa tiếp nhận một trường hợp “dở khóc dở cười”, người bệnh là nữ, 33 tuổi, đến khám với lý do tiểu nhiều.
Đi cùng người bệnh là chồng và cậu con trai 5 tuổi, qua thăm khám tỉ mỉ, được biết gia đình họ phải chạy xe máy từ Văn Chấn - Yên Bái về Hà Nội khám bệnh, đi từ 12h trưa đến 21h tối mới tới nơi. Bác sĩ hỏi tại sao không đi xe khách cho nhàn? Bệnh nhân chia sẻ: “Em không đi được xe ô tô khách, vì cứ 15 -20 phút em lại đòi dừng xe đi tiểu, nhà xe họ không cho đi”.
(Ảnh minh họa).
Theo lời kể của người bệnh, được biết từ thời còn chưa lấy chồng, chị đã bị tiểu nhiều, cứ 1 - 2 lần/giờ, mỗi khi buồn tiểu phải đi ngay nếu không sẽ “són ra quần”.
Sau khi chỉ định thực hiện một số xét nghiệm, cận lâm sàng cần thiết, người bệnh được chẩn đoán mắc bàng quang tăng hoạt (OAB). Chị được kê đơn thuốc, tư vấn rất kỹ cách uống nước, cách tập nhịn tiểu, cách tập cơ sàn chậu, và hẹn khám lại sau 1 tháng dùng thuốc.
Một tháng sau, người bệnh gọi điện lại cho bác sĩ, báo rằng đã hết triệu chứng tiểu nhiều và không đi khám theo hẹn được vì đang bận công việc mùa màng. Bác sĩ cũng tư vấn thêm cho chị, hy vọng chị sẽ duy trì được kết quả điều trị lâu dài và không phải đi xe máy 9h liên tục xuống gặp bác sĩ một lần nữa.
Theo bác sĩ Hạ Hồng Cường, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bàng quang tăng hoạt là một tình trạng bàng quang hoạt động không đều, gây ra cảm giác cần phải đi tiểu ngay lập tức, thậm chí khi bàng quang chỉ chứa một lượng nhỏ nước tiểu. Người mắc bệnh này thường có thể phải đi tiểu nhiều lần trong ngày và đêm, thậm chí có thể gặp khó khăn trong việc kiểm soát việc tiểu tiện, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hằng ngày.
Các nguyên nhân gây nên bàng quang tăng hoạt (OAB) có thể bao gồm:
1. Tuổi tác: Sự suy giảm của các cơ bàng quang và hệ thần kinh liên quan có thể góp phần vào việc phát triển OAB, đặc biệt là ở người cao tuổi.
2. Các tình trạng như viêm nhiễm, tiểu đường, bệnh Parkinson, đa tiểu đường, hoặc bất kỳ tình trạng nào ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh có thể gây ra OAB.
3. Sự thay đổi hormon trong cơ thể, như trong quá trình mãn kinh ở phụ nữ, có thể làm tăng nguy cơ mắc OAB.
4. Sử dụng quá nhiều caffeine hoặc rượu, hút thuốc lá, hoặc các loại thuốc nhất định có thể tăng nguy cơ mắc OAB.
5. Sự căng thẳng quá mức của cơ bàng quang, dẫn đến việc bàng quang co bóp một cách không kiểm soát, cũng có thể gây ra OAB.
6. Một số trường hợp OAB có thể có yếu tố di truyền OAB có thể gặp ở mọi lứa tuổi và ở cả hai giới.
Việc xác định nguyên nhân cụ thể của tình trạng bàng quang tăng hoạt thường cần sự đánh giá từ bác sĩ chuyên khoa và các xét nghiệm y tế phù hợp.
Người bệnh khi có triệu chứng điển hình của OAB như tiểu nhiều, tiểu khó kiểm soát,… nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, tự tin với các hoạt động, công việc hàng ngày.