Phát hiện ung thư ở tuổi 60, bà Châu (người Chiết Giang, Trung Quốc) không tin vào kết luận của bác sĩ. Bà cho rằng mình là người có lối sống lành mạnh.
Suốt 10 năm qua, gần như sáng nào cũng thấy bà đi bộ hái rau trên đồi rồi tranh thủ tập thể dục. Bà không dùng một loại đồ uống kích thích nào, kể cả nước ngọt. Bà cũng có thói quen đi ngủ từ trước 10h tối. Về thực phẩm thì bà gần như chỉ ăn rau mình trồng. Do không thích ăn thịt và các món nhiều dầu mỡ, bà thường xuyên muối chua rau củ quả để thay bằng món ăn mặn của mình.
Ảnh minh họa
Khoảng 6 tháng trước, bà Châu thấy sức khỏe của mình yếu đi, hay cảm thấy mệt mỏi và thường xuyên đau bụng đi ngoài. Cho đến khi cơn đau ngày nhiều hơn, cộng với việc tiêu ra máu, bà mới chịu đến viện khám. Tại đây, các bác sĩ kết luận bà bị ung thư thư biểu mô tuyến trực tràng.
Bà Châu thực sự sốc vì không nghĩ bệnh lại tìm đến mình. Tuy nhiên, khi trao đổi với bác sĩ, bà thất thần vì biết rằng nhiều năm nay bà đã sai lầm trong ăn uống. Món ăn muối chua bà yêu thích nhất lại có thể là tác nhân khiến căn bệnh ung thư đại tràng của bà phát tác.
Bà Châu chia sẻ: “Tôi vốn rất thích các món muối chua. Hơn nữa, rau muối vừa tiết kiệm, tiện lợi, để được lâu và chống ngán tốt nên gần như bữa nào tôi cũng ăn. Không ngờ món rau tôi luôn cho rằng ăn càng nhiều càng tốt cho sức khỏe lại có thể gây ung thư”.
Vì sao dưa muối có thể gây ung thư?
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, trong dưa muối vẫn còn cay nồng, vi sinh vật có trong nước dưa muối tác động làm hàm lượng nitrat cao bị chuyển hóa thành nitrite. Dưới tác động của môi trường dạ dày, khi nitrit đi vào dạ dày sẽ kết hợp các axit amin trong thực phẩm khác như thịt, cá, tôm, ăn kèm với mắm tôm để trở thành nitrosamine gây hại cho sức khỏe.
Chất nitrosamine có khả năng gây ung thư, thường gặp là ung thư dạ dày. Do đó nếu bạn thường xuyên ăn dưa muối sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh và có nguy cơ bị ung thư, đặc biệt đối với những người đang ốm hoặc bị các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa.
Chưa kể đến, trong quá trình muối không đảm bảo, khi bạn muối bằng đồ nhựa, nhất là nhựa có nhiều màu sắc, dưa hay cà có chứa a-xít trong hộp nhựa sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Các độc tố có trong cà, dưa muối chưa bị khử hết kết hợp độc tố sẽ làm tăng nguy cơ gây ung thư.
Ảnh minh họa
5 nhóm người không nên ăn dưa muối
Người mắc bệnh về tiêu hóa
Các món muối chua không hợp với những người có đường tiêu hóa kém vì dễ mắc bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy, tả, lỵ trực khuẩn, thương hàn. Người bị đau dạ dày cũng không nên ăn nhiều khi cảm thấy có kích thích tại vùng thượng vị do nồng độ axit cao trong món dưa muối làm tổn thương niêm mạc dạ dày gây bệnh loét dạ dày hay viêm mạn tính.
Người bị cao huyết áp
Muối làm tăng tính thấm của màng tế bào, gây co mạch dẫn đến cao huyết áp và có nguy cơ cao gây nhiều biến chứng cho người bệnh.
Người bị suy thận
Suy thận làm giảm các chức năng đào thải độc tố của thận. Người bệnh ăn mặn sẽ bị tăng huyết áp, tăng cân ảo, giữ nước gây phù, ảnh hưởng tới các thuốc điều trị. Do đó, người bệnh thận nên hạn chế ăn các loại dưa, cà muối.
Phụ nữ mang thai
Dưa, cà muối có nitrit kết hợp với các gốc amin trong cá, thịt... tạo thành nitrosamin được biết là một trong những chất gây ung thư. Phụ nữ mang thai ăn nhiều các loại dưa muối sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động của tử cung, ảnh hưởng không tốt cho thai nhi. Chị em không cần kiêng hoàn toàn món này song cũng không nên ăn quá nhiều, nhất là với dưa và cà muối xổi vẫn còn xanh.
Người mới ốm dậy
Người mới khỏi ốm hay bị suy nhược cơ thể, không nên ăn dưa, cà muối. Theo y học cổ truyền, cà pháo có tính hàn vì vậy người thể hàn không nên dùng, nhất là thận trọng khi kết hợp với các thức ăn hàn. Tốt nhất nên dùng kèm với các gia vị có tính nhiệt (tỏi, ớt, sả...).
Cách ăn dưa muối an toàn
Ảnh minh họa
- Không nên ăn dưa muối quá nhiều, đặc biệt khi đói. Mỗi người chỉ nên ăn khoảng 50g trong một tuần.
- Không ăn dưa muối còn hăng, cay nồng, có vị ngai ngái hoặc đã quá chua, quá chín, lên nhớt, đổi màu, cà đã nổi váng vàng hoặc nấm đen...
- Phải rửa nguyên liệu và các dụng cụ thật kỹ trước khi muối dưa, cà. Không muối vào thùng nhựa tái chế, thùng sơn vì có thể bị thôi hóa chất độc hại dính ở thùng. Thay vào đó nên muối vào bình thủy tinh, bình sứ tráng men.
- Hạn chế mua dưa được làm sẳn mà nên tự làm ở nhà. Tự muối dưa giúp bạn điều chỉnh được lượng muối cho vào dưa và đảm bảo được thực phẩm sạch, dụng cụ muối dưa sạch, không bỏ chất phụ gia, không chất bảo quản.