Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đông Anh (Hà Nội) đã mổ cấp cứu, cắt bỏ tinh hoàn cho một trường hợp bị xoắn tinh hoàn rất đáng tiếc.
Đó là nam bệnh nhân 14 tuổi (ở Hà Nội) bị đau đột ngột tinh hoàn trái nhưng cố chịu đau. Đến khi không chịu được nữa, bệnh nhân mới nói với bố mẹ và được đưa đến bệnh viện khám.
Hình ảnh tinh hoàn bình thường và xoắn thừng tinh hoàn
Các bác sĩ cho biết mặc dù rất khẩn trương phẫu thuật cấp cứu, nhưng do bệnh nhân nhập viện ở giai đoạn muộn, tinh hoàn đã tím đen, xoắn vặn hai vòng, không còn khả năng bảo tồn, buộc phải cắt bỏ.
Xoắn tinh hoàn là một cấp cứu nam khoa thường gặp, chiếm khoảng 17% các trường hợp đau bìu cấp tính.
Tại Trung tâm Nam học, Bệnh viện Việt Đức, mỗi năm có khoảng hơn 300 trường hợp xoắn tinh hoàn được chẩn đoán, tuy nhiên tỉ lệ bảo tồn tinh hoàn khá thấp, chỉ 5%, phần lớn các trường hợp đến muộn, qua mất "thời gian vàng".
Thậm chí có trường hợp sưng đau tinh hoàn bị chẩn đoán nhầm, sau gần 2 tuần điều trị kháng sinh truyền dịch nhưng không đỡ, mới đến bệnh viện chuyên khoa. Lúc này bệnh nhân phải cắt bỏ tinh hoàn.
Bác sĩ Nguyễn Duy Khánh, Trung tâm Nam học, Bệnh viện Việt Đức, cho biết tỉ lệ xoắn tinh hoàn xảy ra đột ngột ở mọi lứa tuổi ở cả trẻ em, thanh niên, thậm chí người cao tuổi nhưng thường gặp nhất là trẻ sơ sinh và giai đoạn 12 - 18 tuổi.
Xoắn tinh hoàn thường có tình trạng đau đột ngột dữ dội vùng bìu, nôn, buồn nôn, tinh hoàn treo lên cao. Đây là một trong những cấp cứu ngoại khoa cần chẩn đoán và xử lý sớm.
Điều trị bệnh nhân xoắn tinh hoàn tại Bệnh viện Việt Đức
Xoắn tinh hoàn có thể bị nhầm lẫn với viêm tinh hoàn nên làm chậm quá trình điều trị, mất đi "thời gian vàng" để cứu lấy tinh hoàn.
Bác sĩ Khánh cảnh báo xoắn tinh hoàn không chỉ để lại hậu quả nặng nề về chức năng sinh sản, những rối loạn về nội tiết của bệnh nhân mà còn gây rối loạn tâm lý.
Bệnh nhân sẽ mặc cảm, tự ti, phải đặt tinh hoàn nhân tạo với mục đích thẩm mỹ, tuy nhiên không có chức năng về mặt nội tiết và chức năng sinh sản.
Thời gian tốt nhất điều trị xoắn tinh hoàn là 6 giờ đầu tiên tính từ lúc có biểu hiện đau. Từ 6-12 giờ thì khả năng cứu được tinh hoàn chỉ còn 50% và tinh hoàn sẽ bị tổn thương rất nhiều. Từ 12-24 giờ thì chỉ còn 20% được cứu. Trên 24 giờ thường sẽ không cứu được tinh hoàn.
Các bác sĩ khuyến cáo khi có các triệu chứng đau đột ngột ở vùng bìu, bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế để thăm và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng và hậu quả đáng tiếc. Trẻ nhỏ khi có dấu hiệu đau tinh hoàn phải nói ngay cho bố mẹ để được đưa đi khám sớm nhất.