Những dấu hiệu dễ nhận thấy bằng mắt thường cảnh báo ung thư sớm, bạn không nên bỏ qua

Các biểu hiện lâm sàng của bệnh ung thư là rất nhiều, tuy nhiên lại không đặc hiệu, không rõ ràng, rất khó phân biệt với các bệnh lý thông thường khác. Dưới đây là những dấu hiệu cảnh báo ung thư mà mọi người có thể thấy bằng mắt thường, khi phát hiện cần đi khám sớm để sàng lọc ung thư và một số bệnh liên quan có thể đảm bảo bạn được điều trị với tỷ lệ hồi phục cao hơn.

Những dấu hiệu dễ nhận thấy bằng mắt thường cảnh báo ung thư sớm, bạn không nên bỏ qua - 1

Thay đổi trên da

Da là cơ quan chiếm tỷ lệ lớn nhất trên cơ thể và được gọi là cửa sổ cho sức khỏe tổng thể. Vàng da (vàng mắt hoặc vàng đầu ngón tay) là một triệu chứng cho thấy cơ thể đang bị nhiễm trùng, bạn nên đi khám ngay khi có biểu hiện này. Thay đổi về nốt ruồi cũng có thể là nguyên nhân đáng lo ngại, đi khám ngay khi nốt ruồi thay đổi với tính chất sau: Không đối xứng, có bờ không rõ ranh giới, thay đổi màu sắc hoặc trở nên tối hơn, lớn hoặc đang phát triển.

Sưng, nổi cục u, nổi hạch

Bất kỳ vùng nào trên cơ thể bị sưng, nổi cục u và nổi hạch thì cũng đều cảnh báo bệnh lý bất thường, thậm chí có thể là bệnh ung thư. Đặc biệt, hạch nổi ở cổ, nách, vú, bẹn,… thì càng không được chủ quan, xem thường.

Thay đổi về vú

Hầu hết các thay đổi vú không phải là ung thư. Tuy nhiên, đối với phụ nữ vẫn phải thường xuyên kiểm tra các dấu hiệu thay đổi trên vú bằng cách đứng trước gương tự khám. Đến khám tại cơ sở Y tế nếu bạn nhận thấy có bất kỳ u cục, núm vú có tiết dịch, đỏ, dày lên hoặc đau ở ngực.

Chảy máu không rõ nguyên nhân

Tình trạng chảy máu khác nhau tùy vào bệnh, có thể là chảy máu âm đạo giữa các kỳ kinh, chảy máu khi đi tiểu tiện hoặc đại tiện, ho ra máu, nôn ra máu,… Bên cạnh đó là hiện tượng xuất huyết dưới da (dưới da có vết bầm không rõ nguyên nhân). Nói chung, tùy vị trí và mức độ xâm lấn của khối u đến các mạch máu và cơ quan mà sẽ có mức độ chảy máu khác nhau.

Gặp vấn đề khi đi tiểu

Nam giới có thể gặp phải các vấn đề về tiết niệu khi càng lớn tuổi như: Đi tiểu nhiều hơn; Tiểu ngắt quãng hoặc dòng nước tiểu yếu đi.

Thông thường, đây là những dấu hiệu của phì đại hoặc ung thư tuyến tiền liệt. Do đó, bạn cần gặp bác sĩ để khám và thực hiện xét nghiệm định lượng nồng độ PSA toàn phần trong máu để sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt.

Xuất hiện những vấn đề ở miệng

Hầu hết các thay đổi trong miệng (hôi miệng, lở loét niêm mạc miệng, sưng nướu răng,...) đều không nghiêm trọng. Nhưng nếu các vết loét màu trắng hoặc đỏ trong miệng mà không lành sau vài tuần, đặc biệt có kèm theo hút thuốc lá thì đây có thể là dấu hiệu của ung thư hốc miệng. Bên cạnh đó, các dấu hiệu như xuất hiện khối u trong hốc miệng, nướu răng, khó khăn khi nhai hoặc đau miệng kéo dài cũng là các dấu hiệu nghi ngờ cần kiểm tra để loại trừ ung thư hốc miệng.

Giảm cân không rõ nguyên nhân

Giảm cân cũng có thể xảy ra nếu bạn thay đổi chế độ ăn hoặc tập thể dục hoặc có các vấn đề về bệnh lý khác như căng thẳng, bệnh về tuyến giáp. Tuy nhiên, trong trường hợp giảm cân quá nhanh, không có nguyên nhân cụ thể (tập thể dục, thay đổi chế độ ăn,...) thì đó có thể là dấu hiệu đầu tiên nghi ngờ của ung thư như: tuyến tụy, dạ dày, thực quản, phổi hoặc các loại ung thư khác.

Những dấu hiệu trên có thể bắt gặp ở các bệnh lý thông thường, nhưng cũng có thể cảnh báo bệnh ung thư. Nhưng dù trong trường hợp nào thì bạn cũng nên đi khám để bác sĩ kiểm tra, tìm kiếm nguyên nhân, chẩn đoán bệnh và có phương án điều trị.