Bác sĩ có thể khái quát cho độc giả của Báo Tiền Phong biết: Ung thư tinh hoàn là gì?
Ung thư tinh hoàn là tình trạng xuất hiện một khối u ác tính tại một hay cả hai tinh hoàn. Khối u ác tính này cứ ngày một to ra và rồi nó xâm lấn ra toàn bộ tinh hoàn. Thậm chí nó có thể phát triển đến mức, toàn bộ tinh hoàn chỉ toàn là khối ung thư. Do tinh hoàn là một cơ quan sinh sản đặc thù của nam giới nên ung thư tinh hoàn là một bệnh đặc thù của giới này. Đây là nguyên nhân ảnh hưởng không những tới khả năng sinh sản mà còn ảnh hưởng tới chất lượng phát triển đặc điểm giới tính nam.
TS.BS Lê Sĩ Trung- Ủy viên Ban Chấp hành Hội Tiết niệu Thận học Việt Nam (Ảnh: Trọng Quân).
Chúng tôi được biết ung thư tinh hoàn là một loại bệnh khá phổ biến. Điều này quả thật đáng lo ngại?
Ung thư tinh hoàn ở Việt Nam đã tăng khá nhiều trong 30 năm nay. Song nếu được điều trị sớm và đúng cách thì tỉ lệ khỏi bệnh cao, lên tới 95%. Đây là con số rất lớn. Ung thư tinh hoàn hay gặp ở tuổi trẻ. Dưới 30 tuổi tỉ lệ cao nhất. Ở Việt Nam tỉ lệ mắc căn bệnh này là 6/100 ngàn người đàn ông.
Một trong những cách tốt nhất để phát hiện sớm ung thư tinh hoàn là đi kiểm tra định kỳ, đặc biệt là những người có nguy cơ cao. Kiểm tra định kỳ sẽ giúp bác sĩ phát hiện sớm những triệu chứng bất thường và can thiệp kịp thời, nhờ đó tăng khả năng khỏi bệnh.
Với những biểu hiện nào thì một người đàn ông cần nghĩ đến việc mình có thể đang mang trong mình căn bệnh ung thư tinh hoàn, thưa bác sĩ?
Dấu hiệu phổ biến nhất của ung thư tinh hoàn là một khối u không đau ở tinh hoàn. Tuy nhiên, đây không phải là triệu chứng duy nhất cần chú ý.
Khối u không đau hay sưng trên một trong 2 tinh hoàn. Phát hiện sớm khi khối u có kích thước nhỏ là tốt nhất. Bởi vì, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, khối u có thể phát triển lớn hơn rất nhiều.
Cảm giác nặng nề ở bìu: Chẳng hạn như 1 tinh hoàn có thể trở nên cứng hơn. Ung thư tinh hoàn cũng sẽ làm cho tinh hoàn phát triển lớn hơn hay nhỏ hơn so với bình thường.
Cảm giác đau âm ỉ ở bụng dưới hay bẹn.
Tích tụ dịch trong bìu.
Ngực mềm hay phát triển: Đây là tình trạng hiếm gặp. Một số khối u tinh hoàn sản sinh ra hormone gây đau ngực hay tăng trưởng mô ngực. Tình trạng này gọi là cường tuyến vú nam.
Đau lưng dưới, khó thở, đau ngực, đờm lẫn máu có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư tinh hoàn giai đoạn sau.
Sưng một bên hoặc hai bên chân, khó thở do cục máu đông.
Những người có nguy cơ cao ung thư tinh hoàn là nam giới trong tiền sử có biểu hiện của bệnh lý về tinh hoàn: tinh hoàn chưa xuống bìu, tinh hoàn ẩn. Khi kiểm tra thấy khối u cần khám bác sĩ ngay.
Theo như bác sĩ vừa chia sẻ, ung thư tinh hoàn có thể được phát hiện được bằng cách sờ thấy khối u. Nhưng khi ta sờ thấy khối u thì có nhất thiết 100% đó là ung thư tinh hoàn hay không?
Một câu hỏi thú vị. Nếu khối u nằm trên mào tinh hoàn thì thường nó là u lành tính, không cần điều trị gì. Tỉ lệ này cũng khá lớn, đặc biệt ở đàn ông trên 30 tuổi. Nếu khối u nằm ở tại tinh hoàn thì cần lưu ý đến khả năng ung thư tinh hoàn
Ung thư tinh hoàn có phải bệnh di truyền không, thưa bác sĩ?
Cho đến giờ chưa khẳng định được điều đó. Tuy nhiên, có thực tế là nếu ông bố bị ung thư tinh hoàn thì con trai có nguy cơ cao mắc căn bệnh này.
Vậy thì đời sống thầm kín của người bị ung thư tinh hoàn sẽ có thể gặp những trở ngại gì?
Giai đoạn sớm thì không ảnh hưởng gì. Cường độ không ảnh hưởng. Quan hệ không bị đau. Giai đoạn muộn ảnh hưởng đến toàn thân rồi thì chắc chắn hoạt động tình dục giảm đi rất nhiều.
Bác sĩ có thể cho biết quá trình điều trị ung thư tinh hoàn?
Ung thư tinh hoàn thì nhìn chung là phải phẫu thuật cắt bỏ. Lưu ý 2 điều. Thứ nhất là, nên thu giữ tinh trùng trước khi mổ cắt tinh hoàn, bởi đa số bệnh nhân ung thư tinh hoàn đều còn khá trẻ. Thứ hai: Sau khi mổ cắt tinh hoàn thì cần bảo đảm tâm lý cho bệnh nhân bằng cách sử dụng tinh hoàn giả.
Ung thư tinh hoàn thì nhìn chung là phải phẫu thuật cắt bỏ.
Một số trường hợp bác sĩ sẽ cân nhắc cắt bán phần tinh hoàn. Đó là khi bệnh nhân chỉ còn 1 tinh hoàn. Bởi vì cắt toàn bộ thì ảnh hưởng rất lớn đến nội tiết của người đàn ông và cả cuộc sống của họ.
Tất cả bệnh nhân ung thư tinh hoàn đã được điều trị phải được theo dõi chặt chẽ để phát hiện kịp thời khi bệnh tái phát.
Bác sĩ có lời khuyên gì về phòng ngừa ung thư tinh hoàn?
Cần nói rằng đây là kiến thức mà các bậc cha mẹ nên biết, phải biết. Khi sinh con trai, cha mẹ cần kiểm tra ngay xem con có dị tật bẩm sinh về tiết niệu sinh dục hay không. Quan trọng nhất là xem 2 tinh hoàn có nằm trong bìu hay không. Gặp trường hợp tinh hoàn không xuống bìu thì phải mổ hạ tinh hoàn trước 4 tuổi.
Mỗi một người đàn ông- đặc biệt là những người đang trong độ tuổi thanh niên- phải biết cách tự kiểm tra tinh hoàn của mình. Khi thấy có dấu hiệu bất thường như tinh hoàn bên này to hơn bên kia và cảm thấy nặng ở bìu, vướng, đau thì phải đi khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa tiết niệu ngay.