Diệu Linh hiện học lớp 11 tại Hà Nội. Từng học tốt nhưng gần đây Linh định bỏ học vì bị bố cạo trọc đầu. Câu chuyện bắt đầu từ khi Diệu Linh và cậu bạn hàng xóm học chung lớp có tình cảm yêu đương. Khi phát hiện sự việc, bố của Diệu Linh đã sang nhà cậu bạn kia gặp người lớn nói chuyện. Hai bên gia đình quyết tâm ngăn cấm chuyện yêu đương của đôi trẻ, bắt các em chỉ tập trung vào việc học.
Thế nhưng, sau khi bị cấm đoán, Diệu Linh và bạn trai càng hay lén lút gặp gỡ và câu chuyện đi xa hơn khi cả hai gần đây đã thừa nhận mới làm “chuyện ấy” lần đầu trong dịp hè vừa rồi. Biết chuyện, bố Diệu Linh đã nổi giận đùng đùng và lập tức sang "nhà kia" lần nữa để nói chuyện phải trái. Đỉnh điểm, sau cuộc nói chuyện ấy, người bố đã về mắng con thậm tệ, lôi con gái ra cạo trọc đầu để “dạy cho một bài học nhớ đời".
Việc cấm đoán yêu đương dễ khiến trẻ càng lao đến với nhau. Ảnh minh họa.
Chính hành động này khiến Diệu Linh bị sang chấn tâm lý, không muốn đi học, tự nhốt mình trong phòng… Quá lo lắng và không biết phải xử lý ra sao, bố mẹ Diệu Linh động viên con đi khám tâm lý nhưng bất thành, vì thế phải tham vấn cách giải quyết của chuyên gia từ xa.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Bách (Viện Tâm lý học ứng dụng và phát triển MP) cho biết, trong trường hợp này, bố của Diệu Linh đã phạm phải 3 vấn đề nghiêm trọng:
- Kích thích sự tò mò của trẻ lên cao độ khi ngăn cấm trẻ yêu đương;
- Làm sang chấn tinh thần đứa trẻ khi cạo đầu con, vì lứa tuổi này trẻ rất để ý đến ngoại hình;
- Vi phạm nghiêm trọng nhân phẩm khi cạo trọc đầu con gái như vậy.
“Qua nhiều năm nghiên cứu và thăm khám lâm sàng, tôi cho rằng nếu sau đứa trẻ này nên người thì cháu thực sự quá bản lĩnh để vượt qua những bão tố cuộc đời. Còn nếu trẻ hư hỏng, hay gặp vấn đề gì đó thì đó là lỗi do bố mẹ. Thông thương những đứa trẻ gặp sang chấn như vậy rất khó để vực dậy tinh thần, để sống một cách tích cực”, bác sĩ Bách chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Bách cho rằng, thay vì ngăn cấm trẻ quan hệ tình dục, hãy tạo nên một "chiếc khiên" vững chắc để bảo vệ trẻ an toàn. Ảnh minh họa.
Theo bác sĩ Bách, tuy không cổ súy việc quan hệ tình dục ở tuổi vị thành niên, nhưng việc một trẻ học lớp 11 làm “chuyện ấy” trong xã hội ngày này không còn quá lạ lẫm.
“Thay vì cấm đoán trẻ, phụ huynh hãy tạo cho con chiếc “khiên chắn” vững chắc nhất. Đó là tư vấn, hướng dẫn con cách yêu đương lành mạnh, cách quan hệ tình dục an toàn để không mắc bệnh. Bởi khi càng cấm đoán thì trẻ càng lao đến với nhau. Độ tuổi này trẻ thích được thể hiện bản thân, cá tính của mình và thích tò mò, khám phá những điều mới mẻ. Tôi chắc chắn rằng, khi trẻ đã làm “yêu” lần một thì sẽ có lần hai, vì chúng đang rất “thèm muốn”. Cũng giống như chúng ta, khi ăn một món ngon, sẽ tìm cách thử lại một đôi lần nữa để hưởng trọn hương vị món đó”, bác sĩ Bách chia sẻ.
Theo vị chuyên gia này, việc có mối quan hệ yêu đương tuổi học trò không phải là xấu, quan trọng là cần có sự định hướng từ bố mẹ, thầy cô. Nếu hai đứa trẻ thích nhau, yêu nhau mà giúp nhau cùng tiến bộ thì đó là điều rất tuyệt vời, thậm chí là đáng khuyến kích. Bởi nhìn từ thực tế, những trẻ yêu nhau, cùng lứa tuổi với nhau dễ tâm sự và lắng nghe nhau hơn. Đôi khi có những điều bố mẹ nói chưa chắc trẻ đã nghe, nhưng bạn nói sẽ rất nhanh tiếp thu. Do vậy, chúng ta không nên áp đặt suy nghĩ của người lớn với trẻ, mà cần hiểu để định hướng đúng cho con.