Thanh niên 25 tuổi ở Hà Nội bị đột quỵ thừa nhận có thói quen nhiều nam giới Việt đang mắc phải

Thanh niên bị đột quỵ có tiền sử khỏe mạnh, nhưng từ năm 18 tuổi anh đã hút thuốc lá, mỗi ngày hút khoảng 20 điếu...

Vừa qua, bác sĩ Đặng Minh Đức, khoa Đột Quỵ, Bệnh viện Quân Y 103, Hà Nội cho biết các bác sĩ nơi đây đã tiếp nhận bệnh nhân 25 tuổi nhập viện trong tình trạng rối loạn ý thức, ngôn ngữ, tiên lượng rất nặng vào ngày 21/11.

Được biết, thanh niên này có tiền sử khỏe mạnh, nhưng từ năm 18 tuổi anh đã hút thuốc lá, trung bình mỗi ngày khoảng 20 điếu. Như vậy, anh đã hút trung bình mỗi bao thuốc một ngày trong suốt 7 năm qua.

Một kíp can thiệp mạch máu não khoa Đột quỵ, Bệnh viện Quân y 103. Ảnh: Bệnh viện.

Một kíp can thiệp mạch máu não khoa Đột quỵ, Bệnh viện Quân y 103. Ảnh: Bệnh viện.

Ngày nhập viện, sau khi thăm khám và chụp CT sọ não, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị tắc một động mạch lớn, nguy cơ tử vong 70-80%, "nếu sống sót cũng bị liệt".

Sau hội chẩn, bác sĩ chỉ định tái thông mạch máu não bằng biện pháp can thiệp nội mạch. Thời gian "vàng" can thiệp là không quá 6 giờ. May mắn, bệnh nhân được can thiệp kịp thời, thoát nguy kịch, hồi phục hoàn toàn.

Bác sĩ Đức cho hay thông thường, người trẻ bị đột quỵ do dị dạng mạch máu não, gây biến chứng chảy máu não. Riêng trường hợp này, bệnh nhân bị xơ vữa mạch máu não, hẹp động mạch, do nghiện thuốc lá. Đây là một trong nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ.

Nguyên nhân gây đột quỵ ở người trẻNgười bị rối loạn chuyển hóa 

Các khảo sát cho thấy, người trẻ tuổi có nguy cơ bị rối loạn chuyển hóa mỡ máu cao do thói quen ăn kém thiếu khoa học, thường xuyên ăn các loại thức ăn nhanh, thực phẩm nhiều dầu mỡ, các loại thực phẩm chế biến sẵn... có liên quan mật thiết đến tình trạng đột quỵ nhồi máu não và các bệnh lý não bộ khác.

Người bị tăng huyết áp

Thói quen ăn uống không lành mạnh, thường xuyên ăn các loại thức ăn đóng hộp và thức ăn chế biến sẵn có nhiều muối làm gia tăng tỷ lệ cao huyết áp ở người trẻ. Đây cũng là nguyên nhân đột quỵ ở người trẻ tuổi.

Người bệnh lý dị dạng mạch máu não

Dị dạng mạch máu não là nguyên nhân đột quỵ ở người trẻ tuổi tương đối phổ biến và có thể để lại những di chứng nặng nề khi không kịp phát hiện và điều trị. Mạch máu não phát triển bất thường sẽ tạo thành các túi phình gây nên tình trạng đột quỵ xuất huyết não hoặc làm hẹp mạch máu não và gây nhồi máu não.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Người sử dụng chất kích thích

Một trong những nguyên nhân đột quỵ ở người trẻ tuổi phổ biến đó chính là sử dụng các chất kích thích, đặc biệt là uống rượu bia và các loại thức uống có cồn. Giới trẻ thường xuyên uống nhiều rượu bia, làm tăng nguy cơ chảy máu não dẫn đến đột quỵ.

Người hút thuốc lá thường xuyên

Hút thuốc lá thường xuyên làm tăng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ do trong thuốc lá có hơn 7000 chất độc hóa học. Các chất độc này khi đi vào trong máu sẽ phá hủy các tế bào trong cơ thể, làm tăng nguy cơ xơ vữa mạch máu não.

Người béo phì, lười vận động

Ngồi máy tính nhiều giờ đồng hồ, lười vận động, ít tập thể dục,… chính là những nguyên nhân khiến tình trạng đột quỵ ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Càng ít vận động, nguy cơ thừa cân, béo phì càng cao. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, người có chỉ số khối cơ thể BMI >30 và chỉ số vòng eo trên 80cm sẽ có nguy cơ đột quỵ cao hơn nhiều lần so với người bình thường.

Cách phòng ngừa đột quỵ ở người trẻ

- Nên hạn chế thức khuya, cố gắng ngủ đủ giấc, tránh tình trạng ngủ ít, thiếu ngủ.

- Nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng kéo dài.

- Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn nhiều rau củ quả và trái cây, không dùng thực phẩm nhiều dầu mỡ, cholesterol và chất béo; tránh uống rượu, bia, đồ uống có cồn, nước có gas.

- Không sử dụng các chất kích thích.

- Thường xuyên tập thể dục thể thao, tham gia các hoạt động thể lực, hạn chế ngồi một chỗ quá lâu.

- Khám và điều trị, kiểm soát hiệu quả các bệnh lý liên quan như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, tiểu đường…

- Khám sức khỏe và tầm soát đột quỵ định kỳ giúp phòng ngừa đột quỵ ở người trẻ hiệu quả.