Thở khò khè khi trời lạnh: Dấu hiệu nào cho thấy bạn cần đi khám?

Thở khò khè có thể xảy ra cùng với nhiều triệu chứng khác như cảm lạnh, nhiễm trùng đường hô hấp trên... và không phải lúc nào cũng cần can thiệp y tế bằng thuốc.

Khi nhiệt độ xuống thấp hơn và nếu bạn hít phải luồng không khí lạnh trực tiếp dẫn tới kích ứng niêm mạc đường hô hấp thì những người có tiền sử mắc các bệnh hô hấp như hen suyễn, viêm phổi, viêm phế quản, phổi tắc nghẽn mãn tính hay đang bị cảm lạnh, cúm mùa,... có thể gặp phải hiện tượng thở khò khè khi trời lạnh bên cạnh các vấn đề hô hấp khác như ho và khó thở.

1. Thở khò khè là gì?

Thở khò khè là tiếng thở rít có phần chói tai, thô mà hơi thở bạn tạo ra khi đường thở của bạn đang bị chặn lại một phần. Một số tiếng thở khò khè chỉ có thể nghe được bằng ống nghe bác sĩ nhưng thường thì chúng ta có thể nghe được khi ở trạng thái bình thường.

Tiếng thở khò khè sẽ rõ hơn nếu bạn thở ra nhưng cũng có thể nghe thấy khi bạn hít vào. Tùy thuộc vào phần nào của đường hô hấp bị tắc hay hẹp mà âm thanh của tiếng thở sẽ có sự khác biệt. Chẳng hạn như nếu tiếng thở khò khè có vẻ khàn hơn thì có thể là do bị hẹp.

Bất cứ ai từ trẻ sơ sinh tới người già đều có thể bị thở khò khè.

2. Điều gì gây ra tình trạng thở khò khè mùa lạnh?

Như đã nói ở trên, thở khò khè thường do sự tắc nghẽn hoặc hẹp lại của tiểu phế quản trong lồng ngực hoặc sự tắc nghẽn trong đường hô hấp hoặc dây thanh quản.

Vào mùa lạnh, khi cơ thể tiếp xúc với không khí lạnh sẽ gây kích thích các thụ thể cảm giác tại đường hô hấp, hoạt hóa phản xạ co cơ trơn của phế quản và gây hẹp phế quản. Bên cạnh đó không khí qua phế quản và tiểu phế quản không được làm ẩm khiến đường hô hấp nhiễm lạnh, tăng tiết đờm nhớt và suy giảm khả năng chống chịu trước các virus, vi khuẩn gây bệnh phổ biến mùa lạnh như cúm mùa, cảm lạnh thông thường, RSV... cũng gây thở khò khè.

Thở khò khè khi trời lạnh: Dấu hiệu nào cho thấy bạn cần đi khám? - Ảnh 1.

Khi cơ thể tiếp xúc với không khí lạnh sẽ gây kích thích các thụ thể cảm giác tại đường hô hấp, hoạt hóa phản xạ co cơ trơn của phế quản và gây hẹp phế quản (Ảnh: Internet)

Các nguyên nhân khác là các tình trạng mãn tính thường có thể kiểm soát được như hen suyễn tới các tình trạng nghiêm trọng hơn như suy tim.

Thường như những nguyên nhân phổ biến nhất gây thở khò khè bao gồm các vấn đề với:

Phổi

- Hen suyễn mùa lạnh là một tình trạng mãn tính gây co thắt và sưng tấy trong các ống phế quản. Thở khò khè trong bệnh hen suyễn có thể được kích hoạt do tiếp xúc với không khí khô lạnh và các chất gây dị ứng trong không khí như phấn hoa, nấm mốc, lông động vật,...

Ngoài ra thì các bệnh do virus cũng có thể làm cho các triệu chứng hen suyễn trở nên tồi tệ hơn.

- Viêm phế quản là tình trạng viêm niêm mạc của các ống phế quản.

- Viêm tiểu phế quản phổ biến nhất ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi do nhiễm trùng đường hô hấp (virus và viêm). Hơn nữa, trẻ sơ sinh có đường thở nhỏ hơn nên cũng dễ gặp tình trạng thở khò khè hơn.

- Phổi tác nghẽn mãn tính là rối loạn phổi xảy ra tình trạng viêm và tổn thương lâu dài tại niêm mạc ống phế quản, phổ biến nhất là do hút thuốc lá.

Thở khò khè khi trời lạnh: Dấu hiệu nào cho thấy bạn cần đi khám? - Ảnh 2.

Các vấn đề về phổi là nguyên nhân gây thở khò khè phổ biến vào mùa lạnh (Ảnh: Internet)

- Virus hợp bào hô hấp RSV là một bệnh nhiễm trùng phổi theo mùa có thể dẫn tới viêm tiểu phế quản hoặc viêm phổi.

Dây thanh

Rối loạn chức năng dây thanh âm là khi dây thanh âm của bạn hoạt động bất thường khi bạn hít vào hoặc thở ra. Kết hợp với không khí khô lạnh khiến cho việc đưa không khí vào hoặc ra khỏi phổi trở nên khó khăn hơn.

Đường tiêu hóa

Trào ngược axit dạ dày mãn tính có thể làm giãn van thực quản dưới, gây thở khò khè. Đối với người có tiền sử bệnh trào ngược axit dạ dày nếu không có biện pháp ăn uống phù hợp vào mùa lạnh sẽ dễ tái bệnh do xu hướng ăn nhiều đồ cay, béo và dầu mơ hơn khi nhiệt độ giảm.

Dị ứng

Cũng phổ biến không kém với các vấn đề tại phổi vào mùa lạnh thì dị ứng cũng phổ biến trong mùa này. Dị ứng gây ra bởi các dị nguyên như mạt bụi, phấn hoa, lông thúc cưng, nấm mốc,... có điều kiện phát triển và sinh sôi tốt hơn trong môi trường lạnh.

Thói quen sinh hoạt

Việc sử dụng máy sưởi nhiều hơn khi nhiệt độ thấp cũng có thể kích thích đường thở và tăng tiết nhầy do lớp nhầy bảo vệ đường hô hấp bị bay hơi nhanh dẫn đến dễ bị virus, vi khuẩn xâm nhập gây thở khò khè, ho hay nghẹt mũi.

3. Khi nào thì bị thở khò khè cần thăm khám bác sĩ?

Nếu như bạn bị thở khò khè không rõ nguyên nhân, hay tái phát quanh năm hoặc theo mùa kèm theo bất kì một triệu chứng nào dưới đây thì cần phải thăm khám bác sĩ sớm:

- Khó thở.

- Thở nhanh.

- Da tái xanh trong thời gian ngắn.

Để giảm bớt tình trạng thở khì khè có liên quan tới cảm lạnh hay nhiễm trùng đường hô hấp, hãy thử các mẹo sau:

- Làm ấm và ẩm không khí trước khi hít vào.

- Bù đủ nước để làm giãn đường thở và loãng dịch nhầy dính trong cổ họng.

- Tránh khói thuốc lá thụ động và cả chủ động, tránh làm trầm trọng thêm tình trạng thở khò khè.

- Uống đúng và đủ thuốc theo đơn của bác sĩ nếu bạn có các bệnh mãn tính cần dự phòng các đợt cấp.

4. Phòng ngừa thở khò khè khi trời lạnh

Dựa vào nguyên nhân gây ra cơn thở khò khè khi trời lạnh mà bạn sẽ có các biện pháp phòng ngừa hiệu quả, chủ yếu là:

- Giữ ấm bao gồm trong nhà, phòng ngủ. Nếu ra ngoài cần mặc quần áo đủ ấm, nhiều lớp, đặc biệt cần giữ ấm vùng đầu, cổ, ngực, tay, chân và bụng.

Thở khò khè khi trời lạnh: Dấu hiệu nào cho thấy bạn cần đi khám? - Ảnh 3.

Cần giữ ấm và bù ẩm cho không gian sinh hoạt vào mùa lạnh đúng cách (Ảnh: Internet)

- Giữ ẩm cho đường hô hấp bằng cách uống nhiều nước và sử dụng máy bù ẩm nếu không khí khô và bạn khi bạn sử dụng thêm các thiết bị sưởi. Tránh cho niêm mạc hô hấp bị khô quá mức dễ tổn thương.

- Tiêm phòng cúm, phế cầu,... các mũi tiêm phòng mặc dù không giúp phòng ngừa 100% nhiễm bệnh nhưng có thể giúp bạn giảm nhẹ triệu chứng, rút ngắn thời gian phục hồi.

- Tăng cường sức đề kháng bằng chế độ ăn lành mạnh và tập thể dục thường xuyên.

Nhìn chung thì thở khò khè mùa lạnh nói riêng hay các vấn đề hô hấp mùa lạnh khác như ho khan, khó thở, sổ mũi,... có nhiều nguyên nhân gây ra. Xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp bạn có các cách phòng tránh cũng như nhận biết dấu hiệu tiến triển nghiêm trọng cần thăm khám đúng đắn.