Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu vừa tham gia chương trình “Dân hỏi – Thành phố trả lời”, tối 30-8 xung quanh chủ đề học online, phân phối SGK...
“Chúng tôi rất cân nhắc về vấn đề học online”
Về vấn đề này, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM bày tỏ: “Việc học trên môi trường internet đối với học sinh tiểu học sẽ khó khăn hơn các cấp bậc khác. Chúng tôi rất cân nhắc về vấn đề này. Tuy nhiên, hiện nay tình hình dịch còn diễn biến phức tạp, tốc độ lây nhiễm rất khủng khiếp, do đó nếu dời thời gian tựu trường thì không biết sẽ dời đến bao giờ. Vì thế, trong điều kiện hiện nay việc dạy học trên internet là một giải pháp mà chúng ta phải tạm thời chấp nhận”.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM (trái) trả lời những thắc mắc của bạn đọc về các vấn đề giáo dục vào tối 30-8. Ảnh: TTBC TP
Ông Hiếu cho biết thêm, thực tế việc học trên môi trường internet sẽ không hiệu quả như học trực tiếp. Bởi ở bâc tiểu học ngoài việc dạy kiến thức, dạy viết, dạy chữ và làm toán, giáo viên còn phải giao tiếp, uốn nắn nhân cách, rèn luyện để các em trưởng thành. Những điều này sẽ rất khó khăn khi dạy qua trực tuyến. Vì thế TP sẽ có nhiều giải pháp phụ trợ sau khi các em có điều kiện đến trường. Như trường học bổ sung ngay những hoạt động, hướng dẫn để các em theo kịp chương trình và rèn luyện để đảm bảo mục tiêu giao dục ở bậc tiểu học.
Việc ảnh hưởng thị lực khi học trực tuyến là có, do đó trong quá trình học, phụ huynh cần chú ý phòng hoc đủ sáng, góc ngồi hợp lý để giảm bớt những tác hại về mắt khi phải nhìn các thiết bị điện tử quá nhiều.
Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cũng cho biết thêm, TP xác định dạy và học trực tuyến trong học kỳ 1. Tuy nhiên việc này gặp nhiều khó khăn do nhiều học sinh vì hoàn cảnh gia đình không thể mua được thiết bị hỗ trơ cho việc học. Vì thế, ngành GD&ĐT kêu gọi người dân nếu có điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy xách tay cũ, không có nhu cầu sử dụng có thể chia sẻ cho các em. Các trường học sẽ là đầu mối tiếp nhận.
Bên cạnh việc học online, hiện Sở cũng đã làm việc với Đài truyền hình TP để sản xuất các tiết giảng với thời gian cố định giúp các em dễ theo dõi. Đối với khu vực ngoại thành khó khăn về đường truyền, sở đã làm việc với các đối tác và nhờ hỗ trợ.
Lên kế hoạch tiêm vắc-xin cho học sinh
“Hiện nay, 80% giáo viên đã được tiêm vắc xin mũi 1, có nhiều người đã tiêm mũi 2. Về học sinh, Sở GD&ĐT cũng đang có kế hoạch phối hợp với sở y tế tiêm vắc xin phù hợp cho các em từ độ tuổi 12 đến 18. Nếu tình hình dịch ổn định, các em học sinh và giáo viên được chích ngừa đầy đủ, có thể đến trường học trực tiếp. Ngành giáo dục rất mong muốn điều này”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Một vấn đề được ông Hiếu đề cập tại chương trình là việc các trường ngoài công lập tăng học phí trong thời điểm này. Sở đã có văn bản trao đổi với các trường đề nghị không tăng học phí. Tuy nhiên, vì phải có chi phí để duy trì việc học trong tình hình hiện nay nên các trường đề xuất tăng học phí từ 5 đến 10%.
“Việc này họ có cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, tăng học phí trong mùa dịch nó không thể hiện được tính nhân văn, chia sẻ với đồng bào, bà con TP”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Do diễn biến dịch phức tạp nên TP.HCM sẽ không tổ chức tựu trường, khai giảng. Bậc THCS, THPT, ngày 1-9, các em làm quen lớp, củng cố kiến thức, 6-9 bắt đầu năm học mới trên môi trường internet. Bậc tiểu học, ngày 8-9, các em làm quen lớp, 20-9, bắt đầu năm học mới. Bậc mầm non sẽ học muộn hơn.