Ngày 4/6, bác sĩ Hà Hải Nam, Phó trưởng Khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K, cho biết bệnh nhân mắc ung thư giai đoạn muộn, không thể phẫu thuật do khối u lan rộng. Bác sĩ tư vấn dùng hóa chất để nâng cao thể trạng, kéo dài sự sống. Tuy nhiên, người bệnh từ chối điều trị, xin về nhà "uống nước kiềm để tăng sức đề kháng, giảm cân, ổn định huyết áp, thải độc, thu nhỏ khối u".
Chia sẻ với bác sĩ, người bệnh cho biết chỉ uống nước, không ăn để bỏ đói tế bào ung thư. "Đây là lựa chọn, là đức tin của bệnh nhân, rất khó để thuyết phục", bác sĩ nói.
Sau ba tuần, bệnh nhân suy kiệt, nhập viện cấp cứu song không qua khỏi.
Theo bác sĩ, nước kiềm hay nước có tính kiềm được xác định dựa trên độ pH của nước. Độ pH >7 thì dung dịch có tính kiềm. "Đây chỉ là nước điện giải, có thể bổ sung đề kháng cho con người, không thể thay thế thuốc chứa bệnh", bác sĩ Nam giải thích.
Nhiều người tin rằng nước kiềm có thể giúp trung hòa axit dư thừa trong cơ thể hoặc ăn các thực phẩm giàu kiềm như các loại hạt, rau, củ, quả, rong biển, trái cây... giúp kiềm hóa máu và ngăn chặn khối u. Song chưa có nghiên cứu nào khẳng định chỉ uống nước kiềm có thể trị bệnh dạ dày và ung thư. Y khoa chưa ghi nhận trường hợp nào khỏi ung thư chỉ nhờ thuốc nam, thuốc gia truyền. Người bệnh nhịn ăn càng khiến hệ miễn dịch suy giảm, nhanh suy kiệt và tử vong hơn, theo bác sĩ.
Bệnh ung thư dạ dày thường tiến triển âm thầm, triệu chứng mơ hồ, không điển hình nên dễ nhầm lẫn với các bệnh lành tính khác. Tại Việt Nam, hơn 90% người ung thư dạ dày đến viện trong giai đoạn muộn, khiến việc điều trị khó khăn, tỷ lệ khỏi bệnh và sống trên 5 năm sau phẫu thuật thấp.
Bác sĩ khuyên người bệnh nên sáng suốt, có trách nhiệm với sức khỏe của mình. Gia đình cần bình tĩnh và trao đổi kỹ với bác sĩ để người thân được điều trị tốt nhất. Bệnh nhân được chăm sóc hỗ trợ ngay từ lúc khám bệnh để giảm nhẹ về tâm lý và áp lực bệnh tật, không bỏ điều trị.