Uống gần 30 cốc bia trong tiệc cuối năm, người đàn ông ngất luôn tại chỗ

Sau khi uống gần 30 cốc bia trong bữa tiệc cuối năm, người đàn ông 55 tuổi xây xẩm mặt mày, mất ý thức, huyết áp lên cao, phải nhập viện cấp cứu.

Ngày 23/1, TS.BS Lê Bá Ngọc, Trưởng khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết, bệnh nhân được đưa vào viện trong tình trạng lơ mơ, buồn nôn, huyết áp cao.

Người đàn ông này có tiền sử tăng huyết áp 5 năm, phải dùng thuốc thường xuyên. Cận Tết, với cương vị là trưởng phòng kinh doanh, anh phải thay mặt công ty dự nhiều bữa tiệc cuối năm.

Ngoài tất niên công ty, gặp gỡ đối tác, anh cũng tranh thủ hẹn bạn bè khi bước sang năm mới. Mỗi buổi tiệc anh đều uống rượu bia rất nhiều, lần nào cũng về nhà trong tình trạng say xỉn. Lần này khi uống gần 30 cốc bia, anh xây xẩm mặt mày, ngất luôn.

Sau khi được điều trị tích cực, người bệnh qua cơn nguy kịch.

Uống gần 30 cốc bia trong tiệc cuối năm, người đàn ông ngất luôn tại chỗ - Ảnh 1.

Người có tiền sử tăng huyết áp không nên sử dụng rượu bia.

Theo bác sĩ Ngọc, mạch máu não thường bị giãn do tác dụng rượu bia. Huyết áp tăng đột biến sau uống bia rượu rất dễ gây biến chứng tai biến mạch máu não. Nếu người bệnh có triệu chứng như yếu liệt, méo miệng, hôn mê cần nhập viện để theo dõi và xử trí cấp cứu.

“Trường hợp nam bệnh nhân trên có tiền sử tăng huyết áp, nguy cơ tai biến mạch máu não càng cao và phải theo dõi sát, bỏ rượu bia”, bác sĩ khuyên.

Trong dịp Tết, mọi người nên hạn chế rượu bia, nếu phải uống cần dùng lượng vừa phải. Mỗi ngày, nam giới không nên uống quá hai đơn vị cồn, nữ không nên quá một đơn vị.

Một đơn vị cồn theo cách tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bằng 10g cồn nguyên chất, tương đương với 3/4 chai bia 330ml (5%), một cốc rượu vang 100ml (13,5%), một cốc bia hơi 330ml hoặc một chén rượu mạnh 30ml (40%).

TS.BS Vũ Thị Thanh, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, nếu tính một đơn vị cồn (tương đương một chén rượu mạnh 30ml) thì người uống nhiều hơn hai đơn vị cồn mỗi ngày làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch như tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, suy tim, đột quỵ.

Người mắc bệnh nền điều trị bằng thuốc chưa đủ, cần phải kết hợp chế độ dinh dưỡng. Không chỉ người có bệnh nền mà cả người khỏe mạnh cũng phải tuân thủ nguyên tắc ăn uống đủ (không thừa, không thiếu), hạn chế rượu bia tránh bị rối loạn mỡ máu, xơ vữa mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường.

Người bị tăng huyết áp hay mắc các bệnh nền cần điều chỉnh chế độ ăn uống như ăn nhạt, ít mỡ và đường, hạn chế thịt đỏ, bia rượu, cần tăng cường các loại rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây tươi.