Cơm xuất thân từ gạo, điều này là hẳn nhiên, chúng ta cần xem trong thành phần gạo có gì dẫn đến gây tăng cân. Gạo là một loại ngũ cốc giàu tinh bột, có hàm lượng carbohydrate (carbs) tương đối cao. Nó cũng không chứa gluten.
Carbohydrate này thường chứa đường, tinh bột, và chất xơ, đóng vai trò cung cấp năng lượng cho cơ thể.
Theo các bác sĩ, gluten là một loại protein được tìm thấy chủ yếu trong lúa mì, lúa mạch và lúa mạch đen. Một chế độ ăn không có gluten là bắt buộc cho khoảng 2% dân số được chẩn đoán mắc bệnh Celiac để tránh tình trạng viêm ruột nghiêm trọng xảy ra. Như vậy, gạo là thực phẩm khá tốt cho cơ thể. Nhưng khi bạn nấu gạo thành cơm và ăn vào sẽ có chuyện ngay lập tức.
Cơ thể chuyển hóa carbohydrate có trong gạo thành glucose, cung cấp năng lượng chính yếu cho các tế bào cần sử dụng nhiều nhất.
Glucose sau đó đi vào máu và phát tín hiệu giải phóng insulin. Insulin cung cấp glucose trong máu đến các tế bào.
Điều quan trọng cần nhớ là các tế bào của cơ thể người chỉ lấy lượng glucose cần thiết. Vì vậy, khi chúng ta ăn nhiều cơm, có nghĩa là nạp nhiều carbohydrate hơn mức cần thiết, lượng glucose vượt mức trong máu sẽ không được tế bào hấp thụ hết. Do đó, lượng glucose dư thừa được chuyển đổi thành glycogen và được lưu trữ lại để sử dụng cho gan hoặc cơ. Cơ thể cũng có thể chuyển đổi lượng glucose dư thừa này thành axit béo và giữ nó dưới dạng chất béo trong cơ thể.
Và đây là lý do giải thích bạn càng ăn cơm nhiều cũng có nghĩa rằng bạn sẽ mập lên trông thấy, cho dù không nạp bất kỳ thức ăn chứa đầy chất béo nào. Thậm chí chỉ ăn cơm với rau mắm dưa cà cũng gây tăng cân, vì dưa mắm chính là thứ dễ kích thích ăn nhiều cơm.