Hạt thông được tách từ quả thông, tuy nhỏ bé nhưng chứa cực nhiều chất dinh dưỡng. Hàm lượng chất béo trong hạt thông lên tới 63,5% nhưng gần tồn tại dưới dạng axit oleic, axit linoleic và axit béo không bão hòa nên có nhiều lợi ích cho sức khỏe con người. Nó cũng chứa chất xơ, protein chất lượng cao, nhiều vitamin và khoáng chất cùng các chất chống oxy hóa.
Hạt thông mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, làm đẹp (Ảnh minh họa)
Nhờ vậy, loại hạt này thậm chí được mệnh danh là "hạt trường thọ", ngày càng được ưa chuộng, ứng dụng nhiều hơn trong thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm. Nếu ăn hạt thông hoặc chế phẩm từ nó thường xuyên, bạn sẽ nhận được nhiều lợi ích sức khỏe, làm đẹp tới bất ngờ.
Lợi ích sức khỏe nổi bật của hạt thông
Chống ung thư:
Các chất polyphenol trong hạt thông có khả năng chống ung thư rất lớn và có thể giúp ngăn chặn sự phân chia tế bào, là nguyên nhân chính gây ung thư. Các nghiên cứu chỉ ra chất polyphenol trong hạt thông có thể giúp giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi và các loại ung thư khác bằng cách gây ra quá trình chết tế bào theo chương trình giúp loại bỏ các tế bào ung thư và duy trì sự cân bằng trong cơ thể.
Ngoài ra, selen trong các loại hạt vỏ cứng cũng giúp giảm nguy cơ ung thư. Hàm lượng magie cao trong hạt thông cũng được cho là giảm khả năng mắc ung thư, nhất là ung thư tuyến tụy.
Bồi bổ não bộ:
Hạt thông rất giàu axit béo không bão hòa, có thể giúp tăng cường quá trình trao đổi chất của tế bào não trong cơ thể con người, đồng thời duy trì các chức năng bình thường của tế bào não và dây thần kinh não. Nó cũng giàu chất chống oxy hóa, giúp giảm mức độ căng thẳng tế bào trong não và giảm viêm.
Ngoài ra, hạt thông còn chứa một lượng lớn axit béo như omega 3, sắt và magie.. Đây là những thành phần thúc đẩy chức năng não và giảm viêm nhiễm, đồng thời giúp bộ não khỏe mạnh hơn.
Sữa hạt thông giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe (Ảnh minh họa)
Kiểm soát đường huyết:
Chất béo lành mạnh và khoáng chất có trong hạt thông có tác dụng trong việc hỗ trợ duy trì lượng đường trong máu. Magiê có trong hạt thông cũng giúp cơ thể phản ứng tốt hơn với insulin, cải thiện việc kiểm soát lượng đường trong máu và giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Bên cạnh đó, hạt thông chứa một số chất xơ và protein thực vật, giúp giảm nguy cơ tiểu đường. Chất polyphenol có trong hạt thông có thể giúp điều chỉnh lượng đường trong máu và giảm viêm.
Tốt cho tim mạch:
Các loại hạt nói chung và hạt thông nói riêng luôn được coi là tốt cho tim mạch. Chất béo không bão hòa, vitamin E và K, magie và mangan tạo thành một hỗn hợp tuyệt vời trong hạt thông giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch.
Axit linoleic trong hạt thông hỗ trợ cholesterol lành mạnh và thậm chí giúp giảm mức cholesterol xấu (LDL). Vitamin K trong những hạt này giúp hình thành cục máu đông để ngăn chảy máu sau chấn thương trong khi vitamin E giúp tạo ra các tế bào hồng cầu quan trọng cho việc vận chuyển oxy.
Tăng cường miễn dịch:
Lượng mangan và kẽm trong hạt thông có thể giúp bạn tăng cường hệ miễn dịch. Mangan giúp duy trì sự cân bằng nội tiết tố trong cơ thể cũng như sức mạnh của mô liên kết. Trong khi đó, kẽm giúp tăng cường khả năng miễn dịch và hỗ trợ chữa lành vết thương. Kẽm có thể cải thiện chức năng và số lượng tế bào T, một loại tế bào bạch cầu giúp tiêu diệt mầm bệnh.
Ngoài ra, hạt thông giàu chất béo tốt, protein chất lượng cao, chất xơ cùng chất chống oxy hóa giúp kháng viêm nên cũng tốt cho tăng cường miễn dịch.
Tốt cho xương và mắt:
Lutein và zeaxanthin là hai chất dinh dưỡng giúp ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng và tăng nhãn áp bằng cách chống lại tổn thương gốc tự do. Hạt thông chứa rất nhiều lutein, một chất chống oxy hóa rất tốt cho mắt. Khi bổ sung đủ lutein, bạn sẽ bảo vệ thị lực của mình tốt hơn.
Không chỉ canxi mà vitamin K cũng có thể giúp xương thêm chắc khỏe. Loại vitamin này không những tăng cường mật độ xương mà còn giảm tỷ lệ gãy xương. Trong hạt thông lại chứa khá nhiều vitamin K nên đây là loại hạt có thể giúp bạn tăng cường sức khỏe xương.
Lợi ích của hạt thông trong làm đẹp
Hỗ trợ giảm cân:
Ngoài chất xơ dồi dào, axit pinolenic trong hạt thông có thể giúp ngăn chặn cảm giác thèm ăn nên có thể hỗ trợ bạn giảm cân rất tốt. Hơn nữa, các axit béo tốt cho tim khác trong hạt thông cũng giúp đốt cháy mỡ bụng. Một nghiên cứu cho biết việc thay chất béo bão hòa trong chế độ ăn thành hạt thông hay các loại hạt nói chung có thể giúp bạn giảm cân mà không cần cắt giảm calo hay tập luyện nhiều hơn.
Làm đẹp da:
Hạt thông chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa thiết yếu nên rất có ích cho làn da. Lượng vitamin E và chất chống oxy hóa trong loại hạt này có tác dụng làm chậm quá trình lão hóa. Hạt thông còn có thể được dùng để chế biến thành dầu hạt thông, loại dầu có đặc tính chống viêm nên rất phù hợp với các loại da nhạy cảm cũng như có tác dụng giữ ẩm cho da rất tốt. Loại dầu này giúp giảm nhẹ một số vấn đề về da như ngứa, vẩy nến, mụn, chàm, ghẻ và lở loét.
Tinh dầu hạt thông rất phổ biến trong làm đẹp da và tóc (Ảnh minh họa)
Dưỡng tóc:
Hạt thông cũng chứa nhiều vitamin E có thể giúp thúc đẩy tóc tăng trưởng. Hơn nữa, loại vitamin này cũng giữ cho da đầu được khỏe mạnh. Dầu hạt thông cũng rất có ích cho những ai đang muốn cải thiện tình trạng rụng tóc. Loại hạt này cũng có chứa lượng protein cao giúp bảo vệ tóc không bị hư tổn mà luôn chắc khỏe và bóng mượt.
Một số lưu ý khi ăn hạt thông
Tuy hạt thông có nhiều công dụng cho cơ thể nhưng nếu ăn quá nhiều sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Nên ăn khoảng 30g mỗi ngày và kết hợp với các thực phẩm khác hoặc trộn với các loại hạt khác để kiểm soát calo, tận dụng các lợi ích từ nó.
Hạt thông phù hợp với nhiều đối tượng, kể cả người trung niên, người già gầy yếu, thiếu máu, trí nhớ kém, phụ nữ mang thai hay trẻ nhỏ. Tuy nhiên nó giàu calo nên người béo phì nên kiểm soát lượng ăn phù hợp. Không nên dùng cho những người bị suy nhược lá lách, dễ bị tiêu chảy và có nhiều đờm. Một số người dễ bị dị ứng nên cần ăn một lượng nhỏ trước để kiểm tra, nếu có bất thường hãy tới ngay cơ sở y tế.
Ngoài ra, cần chọn nguồn cung cấp hạt thông uy tín, hạt đã già. Chú ý bảo quản ở nơi khô, thoáng mát và không ăn các hạt bị nấm mốc hay có màu, mùi vị lạ.
Nguồn và ảnh: Sohu, Eat This