Theo Sci-News, một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Journal of Agricultural and Food Chemistry chỉ ra hợp chất feruloylputrescine từ vỏ cam có thể tác động gián tiếp đến nguy cơ phát triển bệnh tim mạch.
Chiết xuất vỏ cam hứa hẹn trở thành biện pháp hỗ trợ chống lại bệnh tim mạch - Ảnh: NEWS-MEDICAL
Các bằng chứng khoa học trước đây đã chỉ ra rằng một số vi khuẩn đường ruột thúc đẩy việc phát triển bệnh tim mạch.
Các vi khuẩn này có thể ăn một số chất dinh dưỡng nhất định trong quá trình tiêu hóa rồi sản xuất ra trimethylamine N-oxide (TMAO). Đó là một hợp chất hữu cơ có hại. Vì vậy, mức độ TMAO có thể giúp dự đoán bệnh tim mạch trong tương lai.
Trong nghiên cứu mới, nhóm tác giả từ Đại học Florida, Đại học bang Texas và USDA đã tìm hiểu tiềm năng của chiết xuất vỏ cam trong việc giảm sản xuất TMAO và một hợp chất có liên quan mật thiết khác là trimethylamine (TMA).
Kết quả cho thấy dung môi không phân cực của chiết xuất vỏ cam đã giúp giảm đáng kể việc sản xuất các hợp chất độc hại này trong đường ruột của con người.
Theo các tác giả, phát hiện về vỏ cam rất có ý nghĩa vì chỉ riêng ngành sản xuất nước cam của Mỹ đã thải ra 5 triệu tấn vỏ cam mỗi năm. Tại bang Florida, một nửa số vỏ cam thải ra được dùng làm thức ăn gia súc. Phần còn lại thành rác.
Trước đây, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã xác nhận chiết xuất vỏ cam là an toàn với người tiêu dùng, do vậy phát hiện mới của nhóm nghiên cứu Mỹ có thể được ứng dụng dễ dàng.
Chiết xuất này có thể được sử dụng để thêm vào các loại thực phẩm bổ sung hoặc thành phần thực phẩm nhằm tăng cường sức khỏe.
Ngoài ra, bệnh tim mạch hiện là nhóm bệnh gây chết người hàng đầu thế giới và có tỉ lệ rất cao ở các quốc gia có lối sống công nghiệp.