Bức chân dung chính thức của Nữ hoàng Elizabeth II trong lễ đăng cơ năm 1953 (Ảnh: Royal Collection Trust)
Cố Nữ hoàng Elizabeth II đăng cơ vào ngày 2/6/1953. Cùng với sự tráng lệ và uy nghiêm trong ngày trọng đại, chiếc váy mà bà mặc gây ấn tượng mạnh và trở thành chứng minh lịch sử khi lần đầu trên thế giới lễ lên ngôi của quân chủ một nước được truyền hình trực tiếp.
Theo Page Six, bộ cánh do Norman Hartnell, cố nhà thiết kế hàng đầu London (Anh) chuyên phục vụ các quý cô trong gia đình hoàng gia, tạo ra.
Chiếc váy màu trắng được thêu và kết cườm tinh xảo tạo ra hiệu ứng thị giác lấp lánh trong khung cảnh trang nghiêm tại Tu viện Westminster. Đáng nói hơn, nó không chỉ được thiết kế để giúp tân quốc vương tỏa sáng, mà còn có các chi tiết quan trọng thể hiện mối liên hệ của Nữ hoàng Elizabeth II với sứ mệnh được giao phó.
Được tạo ra bởi nhà thiết kế váy cưới cho Nữ hoàng
Bản phác thảo chiếc váy đăng cơ do Norman Hartnell thực hiện (Ảnh: Getty Images)
Nữ hoàng Elizabeth II đã mặc váy do Norman Hartnell thiết kế trong hôn lễ với Hoàng tế Philip vào ngày 20/11/1947. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi bà tìm đến chuyên gia thời trang yêu thích cho dịp quan trọng nhất với tư cách người thừa kế ngai vàng.
Theo Royal Collection Trust, Nữ hoàng được giới thiệu chín mẫu thiết kế. Cuối cùng, bà chọn mẫu thứ tám và có thêm một số điều chỉnh. Bà đề nghị bổ sung các hình thêu với nhiều màu sắc khác nhau thay vì tất cả bằng bạc, giúp tăng sự độc đáo của trang phục.
Căn cứ trên yêu cầu của Nữ hoàng, Hartnell tạo ra thành phẩm cuối cùng từ lụa trắng cùng hạt vàng, kim cương và ngọc trai.
Mỗi họa tiết trên thân váy đều có ý nghĩa
Nữ hoàng Elizabeth II yêu cầu phải thêu biểu tượng của Vương quốc Anh và toàn thể Khối Thịnh vượng chung lên thân váy (Ảnh: Royal Collection Trust)
Chuyên gia thời trang hoàng gia Rosie Harte cho biết trên Page Six Style thiết kế ban đầu của Hartnell có các biểu tượng của Vương quốc Anh, nhưng Nữ hoàng Elizabeth II cảm thấy chưa đủ. Bà yêu cầu phải có cả biểu tượng của các quốc gia trong Khối Thịnh vượng chung.
Theo Harte, bản phác thảo ban đầu bao gồm hoa hồng Anh, cây kế Scotland, cỏ ba lá Ireland, hoa thủy tiên xứ Wales. Nữ hoàng yêu cầu Hartnell đổi hoa thủy tiên thành tỏi tây - quốc hoa của xứ Wales.
“Sau đó bà ấy yêu cầu tất cả quốc gia thuộc Khối Thịnh vượng chung đều được thể hiện trong bức tranh thêu. Động thái này nói lên sự quan tâm của Nữ hoàng Elizabeth, cũng như thể hiện sự nghiêm túc của bà trong việc đảm nhận vai trò quốc vương và nguyên thủ quốc gia”, Harte nói.
Hartnell đáp ứng mong muốn của Nữ hoàng bằng cách thêu các hình biểu tượng lên viền váy, bao gồm cây keo Australia, lá phong Canada, hoa sen Ấn Độ và dương xỉ New Zealand.
Ấn giấu một lá bùa may mắn
Trong số những chuỗi cườm phức tạp trên chiếc váy có một biểu tượng mà ít người chú ý đến, kể cả Nữ hoàng.
Harte tiết lộ nhà thiết kế đã giấu một lá bùa may mắn trên váy dưới hình dạng cỏ bốn lá.
Theo chuyên gia thời trang, biểu tượng của người Ireland nằm ở chỗ bị tay trái Nữ hoàng che. Nó được tạo ra để mang lại may mắn cho người mặc, dẫn dắt Nữ hoàng thuận lợi hoàn thành chuỗi nghi lễ dài và phức tạp.
Caroline de Gautaut, phó giám sát viên các tác phẩm nghệ thuật của Nữ hoàng, nói với People có thể Nữ hoàng Elizabeth II không biết về lá bùa bởi biểu tượng thể hiện suy nghĩ cá nhân của nhà thiết kế.
Chiếc áo choàng đính kèm
Nhà sử học hoàng gia Jessica Storoschuk nói với Page Six Style Nữ hoàng đã giao cho Royal School of Needlework (trường dạy thêu tay ở Anh) trang trí chiếc áo choàng tím mà bà mặc sau buổi lễ tại Tu viện Westminster.
Theo Storoschuk, chiếc áo choàng nhung màu tím xa hoa được trang trí bằng lông chồn ermine Canada và mất hơn 3.000 giờ để thực hiện các chi tiết bằng vàng.
Hơn 12 thợ thuê làm việc theo ca từ 7h đến 22h mỗi ngày trong 3 tháng. Cả nhóm dành hơn 3.500 giờ để hoàn thành chiếc áo.
Nữ hoàng mặc lại chiếc váy 6 lần
Mặc dù được tạo ra cho lễ đăng cơ, nhưng Nữ hoàng Elizabeth II không chỉ mặc nó một lần.
Lady Pamela Hicks, em họ của Hoàng tế Philip, kể Nữ hoàng đã mang theo chiếc váy trong chuyến công du hoàng gia vòng quanh thế giới sau đăng cơ. Nó thậm chí còn có phòng riêng.
“Chiếc váy cần có cabin riêng. Cabin đó lớn hơn của tôi một chút. Tôi đã khá ghen tỵ”, cựu hầu gái hoàng gia nói.
Theo trang web của gia đình hoàng gia, Nữ hoàng mặc lại chiếc váy 6 lần sau lễ đăng cơ, bao gồm: khai mặc Quốc hội ở Australia, New Zealand, Ceylon (nay là Sri Lanka) vào năm 1954 và sự kiện tương tự ở Canada vào 4 năm sau.
“Bằng cách mang chiếc váy đăng cơ đến những sự kiện quan trọng và công bố rộng rãi ở những nơi xa hơn, Nữ hoàng Elizabeth cố gắng mở rộng lễ đăng cơ cho nhiều đối tượng hơn”, Harte bình luận.
Theo Page Six