Cư dân mạng bàn tán về video lên tiếng chuyện quay lén trang phục của cô gái trên phố.
Mới đây, cư dân mạng xôn xao về câu chuyện trang phục khi xuống phố của một cô gái. Người này quay lại hình ảnh cô gái mặc áo hở lưng đi suốt đường Xã Đàn và đăng lên Tik Tok với chia sẻ: "Không hiểu sao nhiều ông lại để người yêu mặc như thế này ra đường được".
Sau đó, cô gái trong đoạn video đã thẳng thắn đưa ra ý kiến cá nhân. Lý do cô diện bộ trang phục đó đơn giản chỉ vì yêu thích. Cô nhấn mạnh dù người chở cô ấy là chồng, người yêu hay bạn thì dù ở vị trí nào thì họ cũng không có quyền kiểm soát việc cô ấy mặc ra sao.
Hơn nữa, cô cảm thấy bức xúc khi bị sử dụng hình ảnh trái phép với những thông tin bịa đặt. Nhân vật cũng đưa ra những dẫn chứng về điều luật để chứng minh hành động không phù hợp của người nói trên.
Khoản 1 điều 32 bộ luật dân sư 2015 quy định việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Điều 592 bộ luật dân sự 2015 nêu hành vi đăng ảnh người khác lên mạng xã hội có thể phải bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.
Ngoài ra, hành vi quay lén cũng phải đối diện với xử phạt hành chính tùy mức độ và tính chất sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng. Cô yêu cầu được xin lỗi một cách chân thành đồng thời cam kết không bao giờ quay lén người khác trên đường nhất là phái nữ.
Video lên tiếng của cô đã thu hút gần 10 triệu lượt xem.
Một số người lên tiếng: "Tại sao lại quay người ta, hở xấu, hở đẹp gì cũng không được quay lên bêu riếu kiểu đó", "quyền tự do ăn mặc, mình muốn mặc ra sao cũng phải xin phép người nhìn sao, không thích thì liếc qua chỗ khác cớ gì quay video người ta vậy, phản cảm hay không tùy mắt người và suy nghĩ lệch lạc hay không",...
Trò chuyện với nhân vật trong đoạn video, cô bày tỏ mình cảm thấy ghê sợ khi phải nhận những lời nói xúc phạm. "Mình cũng có cuộc sống căn bản, chính trực như bao người nhưng tất cả bị gièm pha bởi những lời bịa đặt vô căn cứ trên mạng xã hội" - cô nói.
Cô bày tỏ bản thân không ngần ngại làm video đính chính, sẵn sàng đối diện với những ý kiến ý trái chiều bởi cô muốn bảo vệ chính mình. "Ngoài ra, còn có rất nhiều người cũng từng là nạn nhân giống mình bởi vậy dù ít hay nhiều mình mong có thể truyền sức mạnh cho người khác, dám đứng lên bảo vệ bản thân" - nhân vật nói thêm.
Trước những bình luận mang ý "dám mặc hở, dám bị quay" của không ít người, cô bày tỏ mình không muốn nghĩ tới những điều mang nặng định kiến như vậy.
Phụ nữ phải xin phép nam giới về trang phục của mình?
Thời trang cũng là một khía cạnh của đấu tranh nữ quyền.
Không phải vô cớ khi câu chuyện này vẫn khiến người ta phải bàn tán và tồn tại những luồng nhận xét khác nhau. "Phụ nữ cần phải xin phép nam giới về những gì mình mặc?". "Phụ nữ bắt buộc phải mặc kín để tránh những hành động không đúng mực của nam giới?".
Thực tế, thời trang cũng là một vấn đề của nữ quyền. Nên hiểu đúng, việc đấu tranh cho nữ quyền không phải để bài xích hay hạ thấp đàn ông mà là để phụ nữ cũng được coi trọng, bình đẳng với nam giới và có quyền tự do cá nhân. Không ai có quyền kiểm soát phụ nữ mặc gì trừ chính họ.
Đã diễn ra những cuộc biểu tình liên quan đến thời trang và nữ quyền.
Trong bài viết liên quan đến vấn đề nữ quyền và thời trang, biên tập viên của tạp chí Harper's Bazaar có viết: "Thời trang không chỉ là quần áo. Phong cách của mỗi cá nhân hoặc nhóm là một hình thức trao quyền". Họ có lựa chọn, sở thích và quyền tự do quyết định những gì mình mặc.
Nó sẽ mang thông điệp về sở thích, phong cách và bản sắc của riêng bạn, quan trọng là bạn cảm thấy thoải mái và tự tin với nó. Tất nhiên, cũng có những ý kiến khẳng định mọi sự tự do đều nên được đặt trong khuôn khổ của sự phù hợp.
Thời trang không đứng ngoài vấn đề đấu tranh cho nữ quyền.