Covid-19 bất ngờ kéo theo cơn khủng hoảng tăm tối hơn nữa tại đất nước 1,3 tỉ dân: Bắt cóc và buôn bán trẻ em

Không chỉ là khủng hoảng y tế hay kinh tế, mà là khủng hoảng công lý, nhân quyền đối với cả một thế hệ.

Một buổi tối của tháng 8, cậu bé 14 tuổi lẻn ra khỏi nhà, lên một chiếc xe bus và rời khỏi làng. Chiếc xe khởi hành từ ngôi làng ở Bihar và hướng đến Jaipur - một thành phố hỗn loạn, đông đúc. cách đó hơn 800 dặm đường.

Phóng viên CNN cho biết, cậu bé và vài người bạn đã nhận được 500 rupee (khoảng hơn 160 ngàn đồng) từ một người đàn ông chỉ để "đi du lịch một chút". Họ gọi cậu là Mujeeb, vì luật pháp tại Ấn Độ không cho phép tiết lộ tên của các nạn nhân có thể nằm trong đường dây buôn bán trẻ em.

Khi vừa tới Jaipur, chiếc xe bị cảnh sát chặn lại. Người đàn ông nói trên bị bắt ngay lập tức vì tội buôn bán trẻ em, cùng với 2 nghi phạm nữa. 19 đứa trẻ - bao gồm cả Mujeeb được giải cứu. Theo cảnh sát Jaipur, nếu vụ việc trót lọt, các em sẽ bị đưa tới các nhà máy sản xuất vòng tay để bán làm lao động giá rẻ.

Covid-19 bất ngờ kéo theo cơn khủng hoảng tăm tối hơn nữa tại đất nước 1,3 tỉ dân: Bắt cóc và buôn bán trẻ em - Ảnh 1.

Cậu bé Mujeeb suýt trở thành nạn nhân của những kẻ buôn người

Tại Ấn Độ, trẻ em được phép làm việc từ năm 14 tuổi, nhưng chỉ trong quy mô gia đình và điều kiện làm việc không gây hại. Nhưng khi nền kinh tế của quốc gia tỉ dân chịu ảnh hưởng quá lớn từ đại dịch Covid-19, một số gia đình buộc phải để con em đi làm, tận dụng mọi nguồn lực có được.

Sản xuất vòng tay tại Jaipur là một công việc nguy hiểm, đòi hỏi công nhân phải kiểm soát sơn mài nóng chảy trong lò nung than. Nó nằm trong danh sách các ngành công nghiệp không được phép tuyển dụng trẻ em dưới 18 tuổi tại Ấn Độ. Nhưng với Covid-19, 6 tháng qua quy định gần như chẳng còn ý nghĩa gì nữa.

"Trẻ em chưa bao giờ chịu đựng cơn khủng hoảng nặng nề như vậy," - Kailash Satyarthi, nhà hoạt động giành giải Nobel Hòa bình 2014 cho biết. "Không chỉ là khủng hoảng y tế hay kinh tế, mà là khủng hoảng công lý, nhân quyền đối với cả một thế hệ."

Covid-19 bất ngờ kéo theo cơn khủng hoảng tăm tối hơn nữa tại đất nước 1,3 tỉ dân: Bắt cóc và buôn bán trẻ em - Ảnh 2.

Đại dịch của đói nghèo và thất nghiệp

Tháng 3/2020, Ấn Độ bước vào giai đoạn phong tỏa toàn quốc. Hơn nửa số lao động nhập cư tại bang Bihar mất việc, không có thu nhập. Khu vực này vốn là mái nhà của hàng triệu lao động như thế, bao gồm cha của Mujeeb - một công nhân xây dựng tại thủ đô Delhi.

Chính quyền địa phương có cung cấp thực phẩm, nhưng chỉ 42% hộ dân nhận đủ - theo nghiên cứu của UNICEF hồi tháng 7. Hàng triệu lao động trở về quê hương, để rồi khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ hồi cuối tháng 5, nhu cầu lao động giá rẻ tại các thành phố tăng vọt.

Bối cảnh này - theo lời cảnh sát Ấn Độ Shiv Narayan - đã trở thành một môi trường hoàn hảo để cơn khủng hoảng buôn bán và bóc lột trẻ em nở rộ.

Covid-19 bất ngờ kéo theo cơn khủng hoảng tăm tối hơn nữa tại đất nước 1,3 tỉ dân: Bắt cóc và buôn bán trẻ em - Ảnh 3.

Theo khảo sát của Satyarthi trên 245 hộ gia đình tại 5 bang có tỉ lệ nghèo cao (bao gồm cả Bihar), 21% cho biết họ sẵn sàng để con trẻ dưới 18 tuổi đi lên thành phố để làm việc, do khủng hoảng kinh tế đã quá lớn. Nhưng vấn đề là chính bản thân lũ trẻ cũng cảm thấy buộc phải đi để kiếm tiền nuôi sống gia đình. Như Mujeeb, cậu đã đề đạt chuyện này với bà nội từ trước, nhưng bà luôn ngăn cản cậu dù gia đình gặp khó khăn.

Cũng giống như Mujeeb, Aman - một cậu bé 15 tuổi tại quận Madhubani (Bihar) đã rời nhà giữa đại dịch để kiếm tiền. Cha cậu - một công nhân, đã mất hết thu nhập khi đất nước phong tỏa, khiến cả nhà rơi vào cảnh đói ăn.

Covid-19 bất ngờ kéo theo cơn khủng hoảng tăm tối hơn nữa tại đất nước 1,3 tỉ dân: Bắt cóc và buôn bán trẻ em - Ảnh 4.

Aman - cậu bé chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài việc ra đi kiếm tiền nuôi gia đình

"Khi căng thẳng ngập tràn ngôi làng, thức ăn thiếu thốn, bản thân buộc phải nghĩ đến việc đi kiếm thu nhập ở đâu đó. Cháu nghĩ nếu mình đi và kiếm được việc, cháu có thể mang ít tiền về cho gia đình và mua được thức ăn," - Aman chia sẻ.

Trường học khi đó vẫn đóng cửa, và với cương vị là anh lớn trong gia đình, Aman cảm thấy bản thân cần có trách nhiệm. Đến lúc biên giới các bang mở ra, cậu quyết định tới Jaipur theo một người đàn ông với lời hứa sẽ thuê cậu làm việc. Cậu đi mà chẳng nói gì với gia đình, bởi biết rằng họ sẽ ngăn cản. Chiếc xe chở cậu đi ngay sau chiếc đón Mujeeb, theo lời cảnh sát.

Sau khi được cảnh sát giải cứu, Aman, Mujeeb được đưa về nơi trú ẩn cùng 17 đứa trẻ khác. Mujeeb cho biết, cậu rất muốn được trở về. Nhưng với Aman, chẳng có gì chờ cậu ngoài sự đói nghèo đã khiến cậu phải ra đi cả.

Khi Ấn Độ phong tỏa, hàng triệu lao động di cư đã ồ ạt trở về quê hương

Bóc lột tàn tệ

Giả như không được giải cứu kịp thời, cả Mujeeb lẫn Aman có nguy cơ rơi vào tình cảnh giống như Nishad - cậu bé 12 tuổi, là nạn nhân bị cưỡng ép lao động tại một nhà máy sản xuất vòng tay với điều kiện cực kỳ kinh khủng.

Nishad (tên nạn nhân đã được thay đổi) đã tới Bihar bởi một kẻ buôn người từ trước khi có lệnh phong tỏa tháng 3. Nishad kể lại, gã đó nhốt cậu cùng 5 cậu bé khác trong một căn phòng tăm tối không cửa sổ, và bắt cậu phải làm vòng tay 15h mỗi ngày. Các em không có cách nào gọi cho chính quyền hoặc liên lạc với gia đình.

"Chúng cháu bị ép làm việc rất lâu và nếu không làm, ông ta sẽ đánh. Chúng cháu cũng không được phép đặt chân ra ngoài. Ông ta bảo nếu ra, cảnh sát sẽ bắt chúng cháu ngay," - Nishad cho biết.

"Ông ta trả cho bố mẹ cháu 1500 rupee (khoảng chưa tới 500 ngàn đồng), và cháu phải làm việc để trả lại số tiền đó. Cháu cũng không nên phàn nàn gì vì còn được cho ăn (vào lúc nửa đêm), và nhận được khoảng 50 rupee (khoảng 16 ngàn đồng) vào mỗi Chủ nhật."

Nishad cùng những đứa trẻ khác đã bị giam cầm suốt 5 tháng, trước khi được cảnh sát giải cứu hồi tháng 8. Gã đàn ông dụ dỗ cậu đã bị buộc tội theo Luật lao động Trẻ em Ấn Độ, và hiện đang chịu sự quản thúc của cảnh sát. Trước khi bị bắt, y cho biết mình đã trả hàng ngàn rupee cho gia đình lũ trẻ để mang chúng tới Jaipur, và cho chúng một cuộc đời tốt hơn.

Có lựa chọn nào khác không?

Jaipur là một điểm nóng của nạn buôn bán và cưỡng ép lao động trẻ em. Riêng tại phía bắc thành phố, từ đầu tháng 6 đã có khoảng 20 lần cảnh sát triệt phá, cùng 12 trường hợp buôn trẻ em được ghi nhận. Trong 2 tuần cuối tháng 8, 50 đứa trẻ được giải cứu, bao gồm cả Mujeeb và Aman trên các chuyến xe bus từ Bihar.

Satyarthi cho biết tổ chức vì trẻ em của ông đã tiến hành theo dõi hành tung của những kẻ buôn người, đồng thời cho rằng chính quyền chưa quan tâm đúng mức với vấn nạn này. Theo ông, cần phải sớm có giải pháp thực tế được đưa ra, trước khi cơn khủng hoảng này sẽ phá hỏng sự phát triển kéo dài hàng thập kỷ của đất nước.

Covid-19 bất ngờ kéo theo cơn khủng hoảng tăm tối hơn nữa tại đất nước 1,3 tỉ dân: Bắt cóc và buôn bán trẻ em - Ảnh 6.

Cần phải sớm có giải pháp cho trẻ em quay trở lại trường học, thay vì đi làm. Satyarathi cho biết, lũ trẻ không được đi học là những đối tượng dễ bị bóc lột nhất.

Aman, cậu bé 15 tuổi vẫn luôn đau đáu ước mơ trở về trường học. Nhưng nếu không kiếm đủ tiền mua thức ăn, chưa tính đến tiền mua máy tính để học online trong bối cảnh đại dịch, đi học giờ là chuyện quá xa vời.

Các cậu bé ở lại khu trú ẩn trong khoảng 1 tháng trước khi được sắp xếp trở về nhà. Nhưng khi được hỏi có muốn về không, Aman trầm ngâm, nói một cách chậm rãi:

"Cháu sẽ đi bất kỳ đâu có thể để tồn tại. Cháu có lựa chọn nào khác không?"

Nguồn: CNN