Thông tin trên do trang Ball Thai Stand của Thái Lan tiết lộ. Theo đó, Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đã gửi thông báo tới Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (FAT) và Liên đoàn bóng đá Indonesia (PSSI) về việc áp dụng án phạt bổ sung.
AFC cho rằng án phạt của FAT và PSSI “chưa đầy đủ và toàn diện”.
"AFC xem lại video và thấy rằng có nhiều người vi phạm nhưng không bị trừng phạt", Ball Thai Stand dẫn nguồn tin từ FAT: "Vì thế, AFC sẽ ra án phạt bổ sung cho những người liên quan cùng phạt tiền FAT và PSSI".
FAT đã giải trình các chi tiết để thuyết phục với AFC rằng án phạt họ đưa ra là phù hợp. Tuy nhiên, điều này không vì thế làm thay đổi quyết định ra án phạt bổ sung của AFC.
Chung kết bóng đá nam SEA Games 32 diễn ra ở thủ đô Phnom Penh (Campuchia) tối 16/5 kết thúc với phần thắng 5-2 nghiêng về phía Indonesia trước Thái Lan sau 120 phút. Tuy nhiên, điểm nhấn lớn nhất là việc thành viên hai đội lao vào đánh nhau hai lần cuối hiệp hai và đầu hiệp phụ thứ nhất.
Hình ảnh xấu xí trong trận chung kết SEA Games 32.
Vụ việc khiến hình ảnh bóng đá Thái Lan, Indonesia nói riêng và Đông Nam Á nói chung xấu đi. Một ngày sau trận đấu, FAT phải đăng thông báo xin lỗi về vụ việc và đến ngày 23/5 thì đưa ra án phạt nội bộ.
Theo đó, HLV thủ môn Prasadchok Chokmoh, trợ lý HLV Phatrawut Wongsripuek và quan chức đi cùng đội Mayid Madada bị cấm làm việc ở các đội tuyển quốc gia một năm. Hai cầu thủ tham gia xô xát, gồm thủ môn Sophonwit Rakyath và cầu thủ dự bị Teerapak Pruengna, bị cấm khoác áo các đội tuyển trong sáu tháng. FAT tuyên bố nương tay với hai cầu thủ này vì họ còn trẻ và đã đưa ra lời xin lỗi sau vụ bạo loạn.
Về phía PSSI thì không đưa ra bất kỳ án phạt nào. "Tại sao chúng tôi phải trừng phạt các cầu thủ?", Chủ tịch PSSI Thohir đặt câu hỏi ngược lại cho một phóng viên Indonesia trong cuộc họp báo tại Jakarta chiều 24/5: "Tất nhiên, chúng tôi sẽ chấn chỉnh. Nhưng về cơ bản, tôi nghĩ đó chỉ là hành động bột phát khi bị khiêu khích nên có thể dung thứ".
Ẩu đả giữa đội U22 Indonesia với U22 Thái Lan tại chung kết SEA Games 32