Thấy chồng nằm trên ghế sofa lướt điện thoại trong khi mình làm không ngơi việc, chị T.Đ (quận Bình Thạnh, TP HCM) bực dọc nhắc chồng bắc nồi cơm để ăn tối. Anh đủng đỉnh đáp: "Ừ, từ từ em".
Việc nhà là của vợ
Đây không phải là lần đầu. Từ khi cưới nhau đến nay đã có hai mặt con, ngoài thời gian ở công ty, đi nhậu với bạn, chẳng bao giờ anh Y. (chồng chị Đ.) đả động đến việc nhà. Cơm nước, chăm sóc con, công việc của hai bên nội, ngoại đều một tay chị Đ. gánh. Đến việc bỏ quần áo bẩn của anh vào máy giặt, chị cũng phải nhắc hoặc tự làm. Ngay cả bé con mới 4 tuổi của anh chị cũng thắc mắc: "Sao mẹ làm quá trời mà ba không làm gì hết trơn?".
"Mang tiếng có chồng nhưng chuyện gì cũng một mình tôi lo, một mình tôi làm, nhờ đến là anh ấy luôn kiếm cớ thoái thác. Bóng đèn trong phòng của con hư, nói chồng sửa, anh gật đầu bảo để đó, cuối cùng không chịu được, tôi phải tự mày mò thay. Cái chốt cửa hư, nhắc năm lần bảy lượt, đến khi em trai tôi qua chơi, tôi phải nhờ đến cậu ấy… Nhiều lúc cục tức dồn lên, không nhịn được, tôi lớn tiếng, vợ chồng lại cãi nhau" - chị Đ. kể.
Cưới được 1 năm, vợ chồng chị N.T.T.V (quận 8, TP HCM) thỉnh thoảng lại giận nhau chỉ vì anh không động tay đến việc nhà, từ dọn dẹp, đi chợ, nấu ăn, rửa chén đến giặt giũ, tưới cây… Nhắc thì anh nói: "Ngày trước mọi việc trong nhà mẹ và chị anh làm, đâu ra đó; giờ có vợ thì vợ làm. Ba cái chuyện nội trợ nhỏ nhặt đó, đàn ông làm còn ra thể thống gì nữa".
Theo chị V., vợ chồng son, việc nhà không nhiều, chị muốn nhờ anh làm việc nọ việc kia để vợ chồng gắn bó; đồng thời tạo thói quen sau này có con, anh biết chia sẻ, giúp đỡ vợ. "Nhưng thay đổi suy nghĩ, thói quen của một người thật không dễ. Tôi lo mai mốt có con, vừa đi làm vừa chăm con nhỏ vừa lo việc nhà mà chồng không giúp thì sẽ ra sao?" - chị V. băn khoăn.
Sau nhiều ngày nghỉ ốm, gặp lại đồng nghiệp thân thiết hỏi thăm, chị K.V (quê Phú Yên) rơi nước mắt. Gặng hỏi mãi, chị K.V kể: "Bao lâu nay chồng chị chưa bao giờ giúp chị việc nhà, muốn nhà sạch sẽ, êm ấm, chị lẳng lặng làm tất cả. Mấy bữa bệnh, con trai đi học xa nhà, chị không nấu ăn được, phải đặt mua. Vậy mà ăn xong, mấy đôi đũa, cái muỗng bẩn, anh cũng không rửa, bỏ hết trong bồn chén; quần áo dơ, chỉ bấm máy, bỏ bột giặt, anh cũng không làm. Nửa đêm mệt quá, chịu không nổi, chị gọi anh chở đi bệnh viện, anh bảo ráng chờ đến sáng. May mà con trai nóng ruột, điện thoại giục suốt, anh mới miễn cưỡng gọi xe đưa chị đi. Bác sĩ nói trễ thêm chút nữa thì nguy".
Minh họa: KHỀU
Trị cách nào?
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Hải An, cuộc sống hôn nhân là để gắn kết hai người với nhau, chia sẻ buồn vui, lo toan về gia đình, con cái. Thế nhưng, tính lười biếng của người chồng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây rạn nứt, phá vỡ hạnh phúc.
"Đàn ông xưa được trao quyền làm "việc lớn", trong khi phụ nữ lại dành cả cuộc đời chịu thương chịu khó quanh quẩn với việc nhà. Đến bây giờ, dù đã là thế kỷ XXI, suy nghĩ này vẫn còn tồn tại ở nhiều gia đình. Một số người chồng vẫn xem việc nhà là việc vặt, không cần mình động tay, đòi hỏi người bạn đời phải quan tâm, chăm sóc, chu toàn. Đây là biểu hiện của thói ích kỷ, thiếu trách nhiệm với gia đình. Hạnh phúc gia đình chỉ trọn vẹn khi người chồng có thiện chí điều chỉnh bản thân, nhận thức được chăm lo cho gia đình, chỉn chu việc nhà là công việc cần được sẻ chia cùng vợ" - ông Nguyễn Hải An nói.
Ông Nguyễn Hải An cũng cho rằng phụ nữ phải lên tiếng về những khó khăn, vất vả mà mình đang chịu đựng, cần được chồng giúp đỡ ra sao. Nếu đã dùng mọi biện pháp mà không thể thay đổi, người phụ nữ có thể cân nhắc để đưa ra quyết định phù hợp cho bản thân.
Còn theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Phượng Uyên, không dễ thay đổi ngay tính lười biếng của người chồng nhưng phụ nữ có thể giúp chồng điều chỉnh, không chỉ bằng lời nói mà phải bằng hành động. Ví dụ, liệt kê những công việc nhà cụ thể, yêu cầu chồng lựa chọn những việc có thể làm. Sau đó, thường xuyên nhắc nhở, giám sát để anh ấy có ý thức thực hiện; cảm ơn, khen ngợi khi chồng làm tốt.
"Phụ nữ đôi khi cũng nên lờ đi việc nhà, đừng cố gắng làm tất cả mọi việc để chồng ỷ lại. Hãy để chồng hiểu công việc nhà khiến vợ mệt mỏi, không còn thời gian chăm sóc bản thân; rằng vợ không thể một mình quán xuyến hết mọi việc nếu không có chồng hỗ trợ. Trường hợp chồng đã quen được "nuông chiều" từ nhỏ, đừng vội vã giao việc khiến mọi thứ trở nên hỗn độn, hãy kiên nhẫn hướng dẫn anh ấy từng việc cụ thể. Thỉnh thoảng hãy cùng nhau nấu ăn, dọn cỏ trước sân nhà, trang hoàng nhà cửa… Cuối cùng, phụ nữ cũng cần học cách cảm thông, vì sóng gió bên ngoài cũng khiến chồng chịu không ít áp lực" - bà Nguyễn Phượng Uyên bày tỏ.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Hải An, trong giai đoạn hẹn hò, các cô gái cần thẳng thắn nêu quan điểm về việc phân chia công việc nhà với người chồng tương lai.