Vào ngày 29 tháng 7 năm 1981, công chúng hồi hộp chờ đợi sự xuất hiện của tiểu thư Diana Spencer cùng chiếc váy cưới thế kỷ trong lễ thành hôn hoàng gia với Thái tử Charles.
Trước đó, ngay khi lễ đính hôn được công bố, Công nương Diana 19 tuổi trở thành biểu tượng thời trang chỉ sau một đêm. Những thông tin về đám cưới long trọng này cùng sự tò mò về trang phục của vị Công nương mới ngay lập tức tạo thành "cơn sốt" khắp nước Anh, thậm chí còn lan rộng ra toàn thế giới.
Mặc dù cuộc hôn nhân của Công nương xứ Wales không lâu bền nhưng hình ảnh chiếc váy cưới tay phồng lộng lẫy của bà đã tồn tại trong lòng người hâm mộ suốt nhiều thập kỷ.
Nhà thiết kế trang phục từng nghĩ yêu cầu là trò đùa
Trong khi nhiều người kỳ vọng Diana sẽ lựa chọn một hãng thời trang đình đám của Vương quốc Anh cho ngày lễ trọng đại, tuy nhiên đôi vợ chồng không mấy tên tuổi trong làng thiết kế David và Elizabeth Emanuel lại được chọn. Sự việc khó tin đến nỗi chính họ còn nghi ngờ yêu cầu này chỉ là một trò đùa.
Hai nhà tạo mẫu cho biết từng tạo nên nhiều bộ váy cô dâu nhưng chưa từng mơ sẽ trở thành nhà thiết kế của một trong những sự kiện hoàng gia long trọng nhất lịch sử. Họ nhận được cuộc gọi hỏi về vinh dự may váy cưới, nhưng sau đó không tìm thấy bất kỳ thông tin nào trên báo chí. Nhà thiết kế đã nghĩ đây phải chăng là một trò lừa bịp? "Sau đó hơn một tháng, Công nương lại gọi cho chúng tôi một lần nữa để nhấn mạnh lại yêu cầu", David từng chia sẻ với tờ Hello! vào năm 2020.
David và Elizabeth Emanuel là hai nhà thiết kế được chọn để tạo ra chiếc váy của Công nương Diana Spencer
Không giữ bí mật về mọi thứ như Công nương Kate Middleton hay Meghan Markle sau này, Công nương Diana thoải mái chia sẻ thông tin về những người sẽ làm nên chiếc váy để đời của mình.
"Khi mọi thứ được công bố, phòng làm việc nhỏ của tôi ngay lập tức bị nhiều ống kính bao vây" David miêu tả bản thân mình đã phải "chạy nhanh đến một cửa hàng trên phố Oxford để đặt mua rèm cuốn, che khuất mọi thứ và ở lại phòng làm việc cho đến khi chiếc váy được hoàn thiện".
Váy cưới của Công nương Diana không phải màu trắng
Với tay áo phồng lớn kết hợp với các chi tiết như nơ, viền ren và 10.000 hạt ngọc trai đính kèm, chiếc váy lụa taffeta đã trở thành xu hướng, truyền cảm hứng cho hàng loạt bộ trang phục cưới trong suốt thập niên 80 của thế kỷ trước. Vô số bản sao của chiếc váy đã được tung ra để mọi cô dâu có thể thỏa thích ngắm nhìn.
Đuôi váy dài nhất trong lịch sử hoàng gia
Vợ chồng nhà thiết kế khẳng định đuôi váy của công nương Diana mang chiều dài chưa từng có trong hoàng gia với độ dài 25 feet tương đương hơn 7,6m: "Nhà thờ St. Paul’s lớn đến nỗi bạn không thể mặc một chiếc váy nhỏ nhẹ nhàng".
Được biết, trong khi nghiên cứu áo cưới hoàng gia, bộ đôi thiết kế đã phát hiện ra đuôi váy hoàng gia lớn nhất từ trước tới nay chỉ dài khoảng hơn 6m, nên quyết định tạo lập cột mốc mới. David kể lại: "Tôi nhớ mình đã cười khúc khích và nói với Công nương rằng 'Ôi, chúng ta phải đánh bại điều ấy' và Diana nói 'Được thôi, chúng ta có thể làm ra một chiếc váy dài 23 hay 25 feet?'. Cuối cùng, chúng tôi đã chạm tới độ dài 25 feet".
Nếp nhăn của váy khiến nhà thiết kế hoảng sợ
Những nếp nhăn chính là một trong những khuyết điểm khiến chiếc váy thế kỷ của Công nương Diana nhận về nhiều chỉ trích. Phát biểu trong chương trình đặc biệt năm 2018 của ITV Lời Mời Đến Đám Cưới Hoàng Gia, Elizabeth kể lại từng nghĩ "nó sẽ chỉ nhăn một chút", nhưng không thể ngờ chiếc váy lại tệ đến như vậy khi tân nương Diana đang đi đến nhà thờ.
"Khi tôi nhìn thấy Công nương đến St. Paul’s và những nếp nhăn lộ rõ trên váy, tôi thực sự cảm thấy kinh hãi, nó xuất hiện nhiều hơn chúng tôi nghĩ", nhà thiết kế tâm sự.
Chiếc váy dự phòng bí ẩn
Trước yêu cầu thiết kế trang phục cho một lễ cưới lớn của hoàng gia, các nhà tạo mẫu không dám chủ quan. Để an tâm, họ quyết định tạo ra chiếc váy thứ hai dự phòng.
Elizabeth trong một cuộc phỏng vấn với tờ Daily Mail cho biết, chiếc váy dự phòng có phong cách tương tự bản chính, tuy nhiên được cắt giảm những chi tiết cầu kỳ. Tác phẩm dự bị này không có đường viền ren bao quanh, có ống tay áo ngắn hơn và vạt áo khác biệt so với bản gốc.
"Chúng tôi không có thời gian để hoàn thiện toàn bộ, cho tới khi buổi lễ diễn ra, bộ váy dự bị chỉ mới hoàn thiện 3/4 và thiếu đi nhiều công đoạn thêu dệt tỉ mỉ", nữ thiết kế cho biết.
"Vào thời điểm đó, chúng tôi muốn chắc chắn rằng chiếc váy là một sự bất ngờ. Thậm chí, bộ váy này chưa từng được ướm thử trên người Công nương và càng không được xuất hiện trong các câu chuyện của chúng tôi. Trang phục này sinh ra như để chúng tôi an tâm hơn vì luôn có phương án thứ hai ở đó", David đã bổ sung thêm thông tin với tờ People.
Thế nhưng tác phẩm dự phòng này hiện đang ở đâu vẫn là bí ẩn mà chưa ai có thể giải đáp, kể cả những người đã tạo ra nó. Elizabeth nói với Daily Mail: "Trang phục này được treo trong làm việc của chúng tôi một thời gian dài và sau đó đã biến mất. Khi ấy vì quá bận rộn nên tôi không thể nhớ rằng mình đã bán hay cất nó vào kho. Nhưng tôi chắc rằng một ngày nào đó chiếc váy sẽ có cơ hội xuất hiện, trình diện trước công chúng".
Công nương Diana đã làm bẩn váy bằng nước hoa ngay trước lễ cưới
Theo tờ People, tân công nương năm 1981 đã chọn Quelques Fleurs - mùi hương lãng mạn do Houbigant người Paris chế tạo - cho ngày trọng đại. Tuy nhiên, thứ nước hoa phải cần đến "hơn 15.000 bông hoa" để tạo ra một chai nước hoa 30ml không may đổ hết lên váy của Công nương Diana. Sự cố này diễn ra chỉ vài phút trước khi tiến vào lễ đường.
Công nương lúc ấy đã hoảng hốt nói với chuyên gia trang điểm Barbara Daly: "Tôi vừa xức nước hoa và đã làm đổ lên phần trước váy". Dù có một chiếc váy dự phòng nhưng vì đã quá sát giờ nên không thể đủ thời gian để công nương thay thế.
"Nếu tôi chỉ kéo váy về phía trước thì mọi người sẽ không biết đúng không?", Công nương xứ Wales đã hỏi chuyên gia trang điểm. Daly cũng cho ý kiến về việc bà nên giữ tay vào phần trước, giả vờ như đang nâng lên để không dẫm vào chiếc váy dài, nhằm che đi vết bẩn.
May mắn rằng sự khéo léo này đã thành công và không một ai trong ngày hôm ấy biết rằng một sự cố hoàng gia đã xảy ra.