Lễ hội Áo dài TP Hồ Chí Minh năm 2024 đã trải qua 10 lần tổ chức liên tiếp, quy tụ nhiều Hoa hậu, Hoa khôi tham gia trình diễn các bộ sưu tập áo dài đến từ những nhà thiết kế nổi tiếng. Chính sự uy tín và đầu tư của Lễ hội áo dài TP Hồ Chí Minh luôn được chờ đón bởi những xu hướng, hoạt động về áo dài với quy mô lớn nhất sẽ được tổ chức trong lễ hội.
Ngay từ đêm khai mạc với 800 mẫu áo dài nổi bật đến từ bộ sưu tập được đầu tư công phu của các nhà thiết kế được trình diễn bởi văn nghệ sĩ, người nổi tiếng, các Hoa hậu, Á hậu,… đã khiến công chúng bất ngờ về độ hoành tráng của chương trình.
Lễ hội Áo dài TP.HCM lần thứ 10, ban tổ chức công bố tên của 30 nhà thiết kế (NTK) áo dài nổi tiếng đến từ ba miền trên cả nước như: NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam, NTK Võ Việt Chung, NTK Việt Hùng,… nhận được sự chú ý. Các nhà thiết kế uy tín lăng xê những mốt mới nhất về áo dài được các tín đồ thời trang nhanh chóng đón nhận.
Sau đêm khai mạc hoành tráng với BST “Queen”, nhận lời mời của Lễ hội Áo dài TP Hồ Chí Minh năm 2024 NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam tiếp tục gây chú ý trên sân khấu bởi tính mới trong những thiết kế áo dài cưới hỏi nằm trong bộ sưu tập “Queen”.
Không đơn thuần là những tà áo dài được mặc trong các dịp thông thường, tà áo dài dân tộc đã được nhà thiết kế sáng tạo “một đời sống riêng” đầy trân trọng. Áo dài chính thức trở thành “đối thủ đáng gờm” của những chiếc váy cưới hiện đại bởi vẻ duyên thầm và sự đầu tư độc đáo mang dấu ấn cá nhân đến từ một nhà thiết kế yêu áo dài và mong muốn quảng bá, mong muốn áo dài đến gần hơn với đời sống của người Việt trong nhịp sống hiện đại, và đặc biệt là trong ngày trọng đại của đời người con gái.
Nhìn vào lịch sử trang phục cưới Việt Nam thời vua Hùng rất chỉn chu và lộng lẫy. Theo truyền thuyết, trong đám cưới của con gái Hùng Vương thứ 18, cô dâu - Mị Nương đã mặc chiếc áo yếm đỏ dệt hoa văn sắc sảo cùng chiếc đầm dài, đầu đội nón biểu tượng chim hạc. Chú rể - Sơn Tinh cởi trần hay mặc chiếc áo lệch 1 bên vai làm từ lông thú nhằm tôn lên sức mạnh khỏe khoắn. Theo dòng chảy phát triển của trang phục cưới dân tộc, áo cưới Việt Nam thập niên 80 đến nay lại có xu hướng quay về truyền thống với việc sử dụng phổ biến chiếc dài áo cổ truyền. Lễ hội Áo dài TP Hồ Chí Minh 2024 một lần nữa khẳng định áo dài cưới luôn nhận được sự quan tâm.
Cảm hứng thiết kế của NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam bắt nguồn từ câu chuyện về Nữ Hoàng Cleopatra, biểu tượng của sức mạnh và nữ quyền. Đại diện cho một thời đại hùng mạnh, là một cầu nối ngoại giao văn hóa ra với thế giới, những thiết kế áo dài trong BST Queen (Nữ Hoàng) là biểu tượng của phụ nữ hiện đại hết lòng vì gia đình, và vì sự nghiệp quốc gia. Với tinh thần kiên cường, BST Queen đã trả lời cho câu hỏi “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu phụ nữ thống trị thế giới?”.
Lễ hội Áo dài TP HCM lần thứ 10 diễn từ ngày 7.3 - 17.3 với nhiều hoạt động đặc sắc, nổi bật tại các địa điểm: công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phố đi bộ Nguyễn Huệ, công viên Lam Sơn, nhà văn hóa thanh niên, bảo tàng Áo dài...
Lễ hội áo dài năm nay có nhiều điểm mới, không gian triển lãm và nhiều hoạt động tương tác với chiếc áo dài được mở ra. Thông điệp của Lễ hội Áo dài được mở rộng quy mô với chuỗi hoạt động hấp dẫn, mang tính trải nghiệm cao nhằm tiếp tục đưa lễ hội trở thành sản phẩm du lịch thu hút du khách.