“Người đẹp thường hư
Vàng son dễ nát”
(Thơ Ngô Mai Phong)
Người ta vẫn nói đàn bà dễ có mấy tay. Thế nhưng, cũng không thể chỉ quy chụp mọi nguyên nhân chỉ do phụ nữ. Ảnh minh họa: LAM THANH
Có lẽ, dưới gầm trời này không có nơi nào mà nhan sắc của phụ nữ lại bị kỳ thị như ở đất nước ta. Từ nhỏ tôi đã nghe ông bà mình xui các chú các cậu chọn vợ bằng những câu rất trực quan như “cái nết đánh chết cái đẹp”, rồi “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”...
Lớn lên chút nữa, tôi cũng hiểu hơn về những câu chữ dìm hàng nhan sắc một cách tinh tế, và kín đáo như “Mặt đen chân trắng, mẹ mắng cũng mua. Mặt trắng chân chì, mua chi giống đó!” hay “Khô chân gân mặt, tiền đắt cũng mua...”.
Khô chân gân mặt là những người phụ nữ có tướng vất vả, tần tảo, những người đàn bà nhan sắc không nuột nà nhưng có thể bù lại bằng sự chịu thương chịu khó, tháo vát đảm đang gánh việc nhà chồng.
Mặt trắng chân chì, hay mặt đen chân trắng thì mãi về sau tôi mới hiểu không phải là chuyện tướng mạo, mà chỉ thói quen của phụ nữ. Mặt trắng chân chì là người đàn bà quá chú trọng về nhan sắc, da đen nhưng lúc nào cũng giữ cho mặt mũi trắng trẻo. Còn mặt đen chân trắng thì ngược lại, là những phụ nữ không chú ý đến nhan sắc, đội nắng phơi sương chẳng ngại ngần.
Tôi cũng nhận ra là ngay cả trong nghệ thuật dân gian ở đất nước mình, cũng rất ít khi xuất hiện những gương mặt đàn bà đẹp. Nếu đẹp, hoặc sẽ thành thánh thần như thị Kính, Liễu Hạnh, hoặc có số phận không ra gì như thị Màu, thị Hến, nghĩa là những kiểu phụ nữ mà đàn ông không thể, hoặc không nên chạm vào. Hiếm hoi có người đàn bà đẹp trong đời là nàng Châu Long thì lại trở thành sợi dây tình bạn của hai người đàn ông Lưu Bình, Dương Lễ.
Là phụ nữ hãy sống như những đóa hoa. Không vì ai mà nở rộ và cũng chẳng vì ai mà lụi tàn
Tôi thường tự hỏi vì sao mà nhan sắc phụ nữ lại bị kỳ thị đến thế trong các ý niệm của tổ tiên mình? Rồi không trả lời được. Mãi đến khi thấy mẹ tôi chép miệng khi lướt mạng xã hội thì mới lờ mờ nhận ra. Đó là nỗi sợ đối với cái gọi là “ải mỹ nhân”.
Đàn ông ham sắc, điều đó thì đã đành. Đàn ông ở đâu cũng thế, chả riêng đàn ông Việt. Nhưng có lẽ chẳng ở đâu người ta lại sợ hãi cái “ải mỹ nhân” như ở nước mình. Phải chăng đàn ông Việt thì lụy tình hơn, nên dễ để sự nghiệp của mình bị chôn vùi bởi đàn bà hơn đàn ông xứ khác? Nên người ta mới dìm nhan sắc đàn bà một cách có hệ thống trong văn hóa dân gian như thế.
Thi thoảng, khi nhìn mẹ tôi chép miệng chuyện đội vợ lên đầu, tôi đã rất muốn trêu bà khi nói rằng các cụ còn có câu “đẹp người đẹp nết”, nghĩa là không phải người phụ nữ đẹp nào cũng làm hỏng sự nghiệp của chồng, bởi tướng đàn bà “vượng phu ích tử” cũng là tướng mặt đẹp cơ mà. Song, tôi biết rằng những dữ kiện của bà mạnh mẽ hơn tất cả những gì mà tôi biết. Và cái câu “đẹp người đẹp nết” chỉ là lời bào chữa yếu ớt của lũ đàn ông lụy tình chúng tôi mà thôi!