Nàng nhớ lúc đi học, rảnh rỗi nàng cũng theo chân mấy cô bạn ra khu chợ sinh viên mua sắm. Một chiếc áo sơ mi chiffon khi ấy trên một trăm ngàn, chiếc dây lưng hai chục ngàn, chiếc đầm giá gần hai trăm ngàn, đã là “sang” lắm. Nhưng người ta bảo ấy là đồ “Tàu”! Mặc nó thì chẳng có tí đẳng cấp nào cả. Đám bạn nhà giàu trong lớp, chúng phải mặc hàng hiệu cơ! Nàng khi ấy đâu biết hàng hiệu là gì?
Nàng khi ấy đâu biết hàng hiệu là gì? (Ảnh minh họa)
Cho tới khi đi làm, khi ngày này gần gũi với những cuộc đua váy áo nơi công sở, và khi cũng có một chút của ăn của để sau khi làm lụng chăm chỉ, nàng mới dần định hình thế nào là mặc đẹp, nên mua sắm ở đâu và mua gì để không ai có thể đi qua mình với một cái nhếch môi.
Hàng hiệu bình dân gắn với nàng từ ngày ấy. Nàng từ ấy có thể tự tin mỗi ngày một mốt tới văn phòng, không lo đồng nghiệp gièm pha, hay lo đám bạn cũ lỡ gặp trên đường mỉa mai nàng đang mặc đồ “chợ”.
Nàng cảm thấy thời trang bình dân đúng như vị cứu tinh của đời mình. Chúng không đắt đỏ, bởi đắt đỏ thì nàng cũng chẳng mua nổi, nhưng chúng có các “mác” bảo chứng cho nàng, giúp nàng biện minh với thiên hạ rằng ta đây cũng đang mặc đồ hiệu!
Nhưng vài ngày nay, nàng thấy trang tin yêu thích của nàng liên tục đăng bài về những góc khuất trong xưởng thời trang bình dân, rằng ở đó, lao động chính, làm ngày làm đêm không ai khác chính là phụ nữ và trẻ em vị thành niên, thậm chí dưới vị thành niên.
Những công xưởng tối tăm, ẩm thấp. Những con người nhỏ bé và yếu ớt làm việc tới mười mấy tiếng một ngày và không có ngày nghỉ, nhận vài đồng lương ít ỏi dĩ nhiên không đủ trang trải cuộc sống, chưa kể tới việc bị quấy rối, ngược đãi và tai nạn lao động có thể ập xuống bất cứ lúc nào.
Nàng từng coi thời trang giá rẻ như vị cứu tinh của đời mình (Ảnh minh họa)
Người ta viết tắt tên của mấy thương hiệu bình dân, nhưng nhìn qua là nàng thừa hiểu, đó chính là những thương hiệu nàng yêu thích, vẫn tấm tắc khen ngợi và khoác lên người mỗi ngày. Nàng không phải sứ giả hòa bình, nhưng nhìn lại tủ quần áo đồ sộ, nàng thoáng thấy bủn rủn.
Nàng không thể thay đổi thế giới nhưng nàng biết mình có quyền chọn lựa. Hoặc tiếp tục làm ngơ trước thực tế kia và thỏa mãn với những bộ cánh giá rẻ; hoặc âm thầm đưa chúng ra khỏi danh sách và bắt đầu lại từ đầu.
Năm mới, lựa chọn mới, nàng tin mình đã làm đúng…