Xu hướng cho trẻ em mặc phong cách người lớn
Sự xuất hiện và phát triển xu hướng thời trang trẻ em được gọi là “baby spicy style” tạo ra làn sóng phẫn nộ trên mạng xã hội sau khi các phương tiện truyền thông chính thống ở Trung Quốc chỉ trích hiện tượng này là “vặn vẹo”.
Theo SCMP, phong cách này cho thấy các bé gái tạo dáng gợi cảm trong những chiếc váy ngắn cũn, áo crop-top hay quần cạp cao - phiên bản thu nhỏ của quần áo phụ nữ trưởng thành. Baby spicy style đang trở thành trào lưu trên các cửa hàng thương mại điện tử dành cho trẻ em và trang mạng xã hội của những người có ảnh hưởng đến việc nuôi dạy con cái ở Trung Quốc trong những năm gần đây.
Baby spicy style đang nở rộ ở Trung Quốc nhưng vấp phải sự phản đối của truyền thông chính thống. Ảnh: SCMP.
Thuật ngữ “baby spicy style” được những người theo đuổi xu hướng này nghĩ ra để mô tả sự pha trộn tương phản giữa nét ngây thơ của trẻ em và phong cách ăn mặc của những cô gái sành điệu.
Ngày 18/7, trang web của Nhân dân Nhật báo (People's Daily Online) đăng bài bình luận lên án đây là phong cách “không phù hợp và không thoải mái” cho trẻ em. Nó chỉ mang lại lợi ích cho những người kinh doanh thời trang và các bậc cha mẹ theo đuổi sự nổi tiếng trên mạng xã hội, nhưng để lại cho trẻ em một “tuổi thơ vặn vẹo”.
Tờ báo thuộc Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra lời chỉ trích sau khi cha mẹ của một bé gái Bắc Kinh (6-8 tuổi) phớt lờ lời khuyên từ giáo viên lớp ngoại khóa về việc thay đổi chiếc váy ngắn “gợi cảm” và nội y đen cho con gái họ vào ngày 10/7.
Thái độ thờ ơ của các bậc phụ huynh phản ánh mức độ phổ biến của kiểu thời trang này ở đất nước tỷ dân.
Zhiliao Chengzhangj là cửa hàng quần áo có tiếng trên nền tảng thương mại điện tử Taobao (Trung Quốc), chuyên cung cấp trang phục cho bé gái mới biết đi đến lứa tuổi thanh thiếu niên, với 443.000 người theo dõi. Trong các bức ảnh quảng cáo, người mẫu, khoảng 6 tuổi, trang điểm theo phong cách ma cà rồng thể thao và phong cách gợi cảm, đồng thời tạo dáng làm nổi bật “đường cong cơ thể”.
Trong cửa hàng quần áo trẻ em khác với 2,7 triệu người theo dõi, khuôn mặt mẫu nữ được chỉnh sửa qua app, tạo hiệu ứng cho đôi mắt to hơn và quai hàm nhọn, khiến cô bé trông giống phụ nữ hơn.
“Đánh hơi” thấy cơ hội kinh doanh, một số người có ảnh hưởng trên mạng xã hội cũng cho con gái ăn mặc như phụ nữ trưởng thành.
Trên nền tảng phong cách sống Tiểu Hồng Thư, được ví là Instagram Trung Quốc, những người có ảnh hưởng, hầu hết là các bà mẹ, thường chia sẻ hình ảnh phô trương những đặc điểm ngoại hình “xuất sắc” của con gái họ - thường được thấy ở những hot girl mạng xã hội - thông qua những bộ cánh cầu kỳ, kèm theo các chú thích như “Hãy xem đôi chân dài của con gái tôi”, “Con bé trông thật trắng trong chiếc váy” hay “Con bé trông giống như búp bê”...
Tiến sĩ Paul Wong Wai-ching, phó giáo sư khoa công tác xã hội và quản lý xã hội tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc), nói với SCMP suy nghĩ có toàn quyền kiểm soát con cái, đặc biệt là ở các bậc cha mẹ châu Á, vi phạm quyền được đối xử như cá thể độc lập của con người.
Những đứa trẻ được cho mặc trang phục ngắn cũn, khoe lợi thế hình thể không phù hợp lứa tuổi. Ảnh: Weibo.
Mối nguy hại cho trẻ em
Việc người lớn hóa hoặc gợi dục hóa trang phục bé gái không phải là vấn đề của riêng Trung Quốc.
Năm 2011, nhà thiết kế người Pháp Sophie Morin vấp phải phản ứng dữ dội sau khi thương hiệu riêng Jours Après Lunes quảng cáo nội y cho bé gái từ 4 đến 12 tuổi.
Một năm trước đó, thương hiệu quần áo Australia Witchery gây ra tranh cãi khi cho trẻ em mặc trang phục người lớn và tạo dáng trưởng thành trong cuốn sách về quần áo dành cho trẻ em.
Thiết kế quần áo trẻ em Trung Quốc cũng chuyển từ phong cách hoạt hình sang thời trang người lớn vào cùng thời gian đó.
Một bài báo năm 2007 từ 51kids, trang web về quần áo trẻ em của Trung Quốc, quan sát thấy xu hướng được dẫn đầu bởi một số thương hiệu nổi tiếng ở nước ngoài, chẳng hạn như Elle của Pháp và E-Land của Hàn Quốc, giới thiệu phiên bản thu nhỏ của quần áo người lớn, tạo ra mối liên kết giữa cha mẹ và con cái.
Trên Weibo, hashtag People's Daily Online bình luận về baby spicy style nhận được 250 triệu lượt xem tính đến ngày 22/7, khơi lại cuộc tranh luận sôi nổi về thời trang trẻ em bị gợi dục hóa.
Nhiều bình luận phản đối được để lại: “Họ đang biến quần áo người lớn thành quần áo trẻ em và quần áo trẻ em giống quần áo người lớn, tôi không hiểu nổi”, “Trẻ em không nên được mô tả bằng những từ như 'spicy' (cay hoặc kích thích) và 'gợi cảm', chứ đừng nói đến việc mặc những bộ quần áo như vậy", “Mỗi nhóm tuổi đều có vẻ đẹp riêng, nhưng phụ nữ đều ăn mặc giống cùng một nhóm tuổi cho dù họ bao nhiêu tuổi”...
Một số người ủng hộ xu hướng này, nhấn mạnh ngay cả trẻ em cũng phải được “tự do ăn mặc”. Tuy nhiên, quan điểm này chỉ là thiểu số.
“Ý thức độc lập của trẻ vẫn chưa phát triển đầy đủ để chúng biết mình thích gì. Các em nên có quyền tự do ăn mặc, nhưng không phải bây giờ”, một người dùng mạng phản bác.
Đông đảo cư dân mạng Trung Quốc phản đối việc gợi dục hóa trang phục trẻ em. Ảnh: Weibo.
Tiến sĩ Wong cho biết thời trang như vậy có thể tác động tiêu cực đến sự phát triển của trẻ em, thậm chí có thể gây ra nạn bắt nạt trên mạng mà trẻ em chưa đủ trưởng thành để đối phó.
Ông nói thêm rằng “baby spicy style” đang đi quá xa thường thức và gần với nội dung khiêu dâm trẻ em.
Theo Luật Bảo vệ Trẻ vị thành niên sửa đổi của Trung Quốc, có hiệu lực từ năm 2021, việc tạo, sao chép, xuất bản hoặc sở hữu nội dung khiêu dâm về trẻ vị thành niên là bất hợp pháp.
Tuy nhiên, Wang Yawei, chuyên gia về luật hình sự tại Công ty luật Allwell Bắc Kinh, nói với Legal Daily vẫn còn thiếu quy định cụ thể hoặc tiêu chuẩn ngành để bảo vệ trẻ em khỏi những phong cách thời trang gây nguy hiểm cho sức khỏe thể chất hoặc tinh thần của chúng.
Theo SCMP