Khi một người phụ nữ mua chiếc váy cưới của mình từ một cửa hàng vào năm 1953, bà không hề biết rằng hơn sáu thập kỷ sau, cháu gái của mình cũng sẽ khoác chiếc váy đó trong ngày cưới. Julia Cain - một cô gái trẻ ở Missouri, Hoa Kỳ đã từng gây sốt với câu chuyện đằng sau chiếc váy vượt thời gian này.
Chiếc váy vượt thời gian
Phyllis Jo Raymond là chủ nhân đầu tiên của chiếc váy khi bà kết hôn với Harold vào ngày 9/5/1953. Bà trông thật lộng lẫy khi bước vào lễ đường, mặc chiếc váy trắng mua từ Denver, Colorado.
Chủ nhân đầu tiên của chiếc váy là bà Phyllis Jo Raymond - bà ngoại của Cain.
Khoảng ba mươi năm sau, mẹ của Cain, Traver, quyết định mặc chiếc váy tương tự trong ngày trọng đại của mình. Tuy nhiên, Traver không muốn mặc một chiếc váy vòng bên dưới như mẹ nên cô đã thay đổi một chút để nó vừa với vai của mình.
Tái sử dụng trang phục
Khi Cain vẫn còn học đại học, mẹ vẫn thường nói về việc sử dụng lại chiếc váy cho đám cưới của cô. Vì Cain không có kế hoạch kết hôn khi đó nên cô không nghĩ nhiều về ý tưởng của mẹ. Cain chỉ bắt đầu xem xét đến việc này khi cô đính hôn nhiều năm sau đó.
Tuy nhiên, chiếc váy đã trải qua hơn 60 năm đã không còn đẹp như ngày ban đầu. Cain cho biết cô đã thử chiếc váy theo nhiều cách khác nhau, thậm chí còn bỏ tay áo và khoét cổ sâu, nhưng cô và mẹ vẫn chưa hài lòng với vẻ ngoài của nó. Họ gần như đã bỏ cuộc khi cảm thấy chiếc váy dường như không còn phù hợp.
Sau nhiều lần đến gặp thợ may, Cain cuối cùng cũng có được chiếc váy ưng ý. Bằng cách nâng vòng eo lên một chút, chiếc váy đã biến thành bộ cánh mơ ước của Cain trong ngày trọng đại đời mình.
Cain tin rằng mình không thể tìm được một chiếc váy cưới nào đẹp hơn, và việc tái sử dụng chiếc váy của bà ngoại đã mang đến cho cô một câu chuyện tuyệt vời để chia sẻ với thế giới.
Một trải nghiệm độc đáo
Khi khoác chiếc váy đã từng được bà ngoại và mẹ mình mặc vào ngày cưới, cô cảm thấy đó không khác gì một giấc mơ. Cô tiết lộ rằng ông ngoại rất vui khi nhìn thấy cháu gái trong chiếc váy đó. Vì bố cô đã qua đời cách đây nhiều năm, nên chính ông ngoại cũng là người nắm tay cô bước vào lễ đường, hệt như những gì ông từng làm với vợ và con gái mình.
Cô cũng khuyên các cô dâu khác nên sử dụng váy cưới gia truyền của họ vì đó sẽ là một bộ cánh độc nhất. Tuy nhiên, cô cũng cảnh báo trước về quá trình chỉnh sửa khá mất thời gian. "Mặc dù vẫn rẻ hơn so với nhiều chiếc váy mới, nhưng việc thay đổi một chiếc váy 60 tuổi không hề rẻ và mất nhiều thời gian", Cain chia sẻ.
Trước tiên, Cain khuyên các cô dâu nên kiểm tra xem chiếc váy gia truyền của họ có thể được giặt kỹ hay không và sau đó tân trang lại chúng. Bên cạnh đó, việc trao đổi rõ ràng với thợ may là chìa khóa để có được chiếc váy mơ ước.