Vào những năm 1950, du lịch bằng đường hàng không phát triển mạnh mẽ. Hãng hàng không quốc tế Pan American Airways (viết tắt: Pam Am) lúc bấy giờ cung cấp các phòng chờ sang trọng cùng tiếp viên ăn mặc đẹp. Mọi thứ đều tuyệt vời cho đến khi máy bay hạ cánh và mất phương hướng, vào một nơi hoàn toàn xa lạ, xung đột về ngôn ngữ và không nắm bắt được thời gian.
Điều này đặc biệt có vấn đề đối với các phi công và thành viên phi hành đoàn của Pan Am, những người có công việc phải di chuyển giữa các múi giờ khác nhau.
Vì vậy, hãng hàng không đã hợp tác với Rolex để tạo ra chiếc đồng hồ có thể theo dõi giờ ở cả thành phố khởi hành và điểm đến. Từ đó, Rolex GMT ra đời.
Thời điểm đồng hồ Rolex GMT ra đời
Rolex GMT ra mắt vào năm 1955 với vòng bezel (vòng ngoài của vỏ được gắn các con số) màu đỏ và xanh dương đậm dấu ấn của thời đại. Sự kết hợp màu sắc này gần giống với thức uống phổ biến Pepsi, do đó GMT còn có biệt danh là "Pepsi".
GMT ra đời để tiếp nối dòng đồng hồ được gọi là "công cụ" của Rolex, được thiết kế với một số chức năng. Chẳng hạn, Submariner là chiếc đồng hồ đầu tiên có thể dùng khi lặn dưới nước ở độ sâu 100 m. GMT được tạo ra đặc biệt cho việc di chuyển bằng đường hàng không.
Hans Wilsdorf, người sáng lập Rolex, đã đưa ra giải pháp khá thanh lịch cho những người "du hành thời gian" của Pan Am. Chiếc đồng hồ đi kèm với kim giờ, phút, giây theo múi giờ tiêu chuẩn. Phi công và các nhân viên đường hàng không khác có thể đặt đồng hồ của họ đến một múi giờ nhất định mà không cần phải liên tục thay đổi thời gian.
Việc phát minh ra đồng hồ giúp ích cho nhân viên của Pan Am. Song GMT không chỉ dành cho phi công hay tiếp viên hàng không. Chẳng bao lâu, chiếc đồng hồ hai màu được nhìn thấy trên cổ tay của một số nhân vật nổi bật, biểu tượng của thế kỷ 20 như trưởng ban nhạc Dizzy Gillespie, diễn viên Marlon Brando, danh họa Pablo Picasso...
Tất nhiên, việc mang theo chiếc đồng hồ có thể cho người đeo biết hai múi giờ khác nhau ngày nay không quá cao cấp. Nhưng đối với các nhà sưu tập, GMT đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử loài người: Khoảnh khắc chúng ta bắt đầu đi du lịch vòng quanh thế giới trên máy bay.
Lý do Rolex GMT có 2 màu xanh và đỏ là gì?
Bên cạnh đó, điều làm nên sự bí ẩn cho Rolex GMT là hai màu sắc xanh và đỏ trên khung bezel. Sự phối màu này giúp tạo vẻ ngoài bắt mắt cho chiếc đồng hồ. Chỉ cần thoáng nhìn, mọi người có thể nhận diện ngay đó là thiết kế của nhà chế tác Thụy Sĩ.
Thực tế, màu xanh lam ở trên cùng và đỏ ở dưới nhằm để biểu thị sự khác biệt lần lượt giữa đêm và ngày khi đọc múi giờ thứ hai từ kim GMT. Phối màu này được đánh giá là sự phá cách độc đáo và đầy màu sắc. Nhiều ý kiến cho rằng hai màu sắc này được chọn vì dễ đọc trong chớp mắt.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn thắc mắc rằng tại sao vòng bezel lại có hai màu xanh và đỏ, mà không phải màu khác, trong khi đó logo của Pan Am có màu xanh lam và trắng.
Tổng biên tập của trang chuyên về đồng hồ Hodinkee - Jack Forster - nghĩ rằng vào ban ngày, đèn buồng lái có màu đỏ để bảo vệ tầm nhìn ban đêm. Cách lý giải này phù hợp với màu đỏ. Vậy còn xanh lam?
Jack tiếp tục: "Dưới ánh sáng đỏ, màu xanh lam về cơ bản trông giống màu đen. Nếu bạn đang cập nhật nhật ký trong buồng lái tối, đèn đỏ và bạn muốn biết giờ Zulu, khung bezel màu xanh và đỏ sẽ dễ đọc nhất".
Vì vậy, vòng bezel màu đỏ và xanh kể từ đó đã trở thành nền tảng cho nhiều mẫu khác trong thế giới đồng hồ, bao gồm chiếc Seiko Speedtimer cổ điển (1969), Seiko SKX009 cổ điển, Tudor Black Bay GMT...
Thị trường đồng hồ bị ảnh hưởng nhiều bởi những đặc điểm kỳ lạ, như lịch sử và câu chuyện của một tác phẩm. Do đó, GMT có giá trị ngày càng tăng. Trong khi hãng hàng không Pan Am phá sản vào năm 1991, chiếc đồng hồ mà hãng ủy quyền vẫn tồn tại mạnh mẽ.
Theo Hodinkee, GQ