Áo dài mang vẻ đẹp của truyền thống
Việt Nam tự hào với tà áo dài mang vẻ đẹp truyền thống.
Khi các quốc gia khác tự hào về trang phục truyền thống của riêng họ như kimono, hanbok,... Việt Nam cũng có áo dài mang theo giá trị văn hóa. Những tà áo dài duyên dáng đậm nữ tính đã tạo nên một vẻ đẹp Việt quá đỗi dịu dàng. Áo dài còn được đưa nguyên bản vào từ điển Oxford với ý nghĩa chỉ trang phục của phụ nữ Việt Nam với thiết kế hai tà trước, sau dài chấm mắt cá chân được mặc cùng với quần lụa.
Áo dài truyền thống có cổ áo cao từ 4 đến 5 cm hiện tại có nhiều kiểu cổ áo đa dạng từ cổ trái tim đến cổ tròn, cổ chữ U. Thân áo được tính từ cổ xuống eo. Cúc áo theo đó cũng được may chéo từ cổ sang vai rồi kéo xuống ngang hông. Từ eo thân áo xẻ làm hai tà. Áo dài được mặc thêm cùng quần may dài chấm gót chân, ống rộng. Màu sắc thông dụng là đen, trắng. Nhưng hiện nay cũng có đã nhiều mẫu quần được may "tone sur tone" với màu áo.
Áo dài truyền thống mang theo nét đẹp dịu dàng của người con gái Việt.
Trở về với lịch sử của dài, nhiều nghiên cứu chỉ ra, áo dài là kiểu áo cách tân từ áo ngũ thân. Điểm khác biệt dễ thấy giữa áo ngũ thân với dài là thân áo rộng, không chiết eo, có năm thân áo may ráp với nhau theo chiều dọc. Áo ngũ thân dài chạm gối chứ không gần chấm gót như áo dài. Hơn nữa, áo ngũ thân vốn là trang phục được cả nam và nữ mặc, không giống như áo dài được mặc định là đồ của phụ nữ.
Áo dài đã từng gây nên một cuộc tranh luận giữa cũ và mới, bị chê trách là sản phẩm lai căng, xa rời truyền thống do thiết kế ngày một tôn dáng. Trên tuần báo "Phong hóa" số 86 ra ngày 23/2/1934 với tựa "Y phục của phụ nữ", họa sĩ Cát Tường đã chỉ ra một số quan niệm về việc thay đổi áo dài. "Trời sinh ra người, vốn sẵn dành cho các hình dáng riêng, chỗ nở chỗ thắt hợp với đủ phương diện mỹ thuật chứ chẳng phải trơn tuột như cái hộp kẹo sìu".
Áo dài từng bị chê bai là lai căng, ảnh hưởng Tây hóa.
Trang phục này cũng có thời điểm không được mặc phổ biến do không phù hợp với bối cảnh đời sống mới vì bất tiện, luộm thuộm lại may tốn vải. Tuy nhiên, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, áo dài vẫn được xem là trang phục truyền thống mang đậm vẻ đẹp nữ tính của người phụ nữ Việt Nam.
Người nước ngoài mặc sai áo dài
Áo dài đẹp nhất khi là chính nó, ngược lại sự thêm thắt hay phá cách không phù hợp sẽ phá hỏng đi nét đẹp vốn có. Mới đây, một YouTuber người Hàn Quốc đã bị cộng đồng mạng chỉ trích dữ dội do mặc áo dài không quần còn tạo dáng phản cảm. Nhiều người đã yêu cầu cô lên tiếng xin lỗi và gỡ bỏ video nhưng vẫn chưa thấy chủ nhân phản hồi.
YouTuber người Hàn khiến cư dân mạng dậy sóng vì mặc áo dài thiếu tinh tế.
Không phải lần đầu tiên người ta nhìn thấy những biến thể khó lòng chấp nhận khi một số người dung tục hóa tà áo dài truyền thống. Trước đó, nữ ca sĩ Kacey Musgraves cũng từng nhận không ít "gạch đá" do mặc áo dài không quần để trình diễn, đến mức nhiều nghệ sĩ Việt phải lên tiếng. Xuất hiện trên thảm đỏ Billboard Music Awards 2019, rapper Saweetie cũng mặc trang phục không khác gì áo dài Việt Nam nhưng lại "quên" mất chiếc quần.
Kacey Musgraves mặc áo dài không quần khi biểu diễn.
Ngoài ra còn có vụ việc nhiếp ảnh gia Franey Miller đăng tải hình ảnh người mẫu Ba Lan mặc áo dài, đội khăn đóng, không mặc quần để lộ nội y. Hàng loạt người Việt Nam đã bình luận về điều này khiến nhiếp ảnh gia phải xin lỗi và hứa sẽ nhận thức rõ hơn về văn hóa. Và đây chỉ là một vài ví dụ cho thấy những chiếc áo dài không quần đã trở thành "hố đen", lỗi cấm kị khi mặc áo dài.
Người mẫu Ba Lan mặc áo dài nhưng "quên" chiếc quần.
Tất nhiên, không phải người nước ngoài nào cũng làm xấu hình ảnh trang phục truyền thống Việt Nam. Rất nhiều người khi đặt chân đến đất nước hình chữ S đều bày tỏ sự yêu thích và khen ngợi áo dài. Không chỉ riêng với áo dài mà với tất cả các trang phục truyền thống khác, mỗi người cần có sự chuẩn bị về tri thức để tránh mắc lỗi sai khi mặc trên mình trang phục mang theo cả một nền văn hóa.