Tôi năm nay 52 tuổi, là một người phụ nữ bình thường sống ở một ngôi làng nhỏ ở miền quê. Học vấn không cao, cuộc sống không nhiều biến động, nhưng có lẽ chính vì quá bình lặng mà những gì tôi từng trải qua đã hằn sâu vào tâm trí tôi đến tận bây giờ.
Tôi kết hôn năm 20 tuổi, anh là bạn từ thuở nhỏ cùng làng với tôi. Sau khi kết hôn, chúng tôi sống ở một khu tập thể cũ. Tôi từng làm công nhân may, sau đó chuyển sang bán đồ ăn sáng vỉa hè để kiếm sống. Anh có công việc nhà nước ở trạm thủy lợi, thu nhập không cao, nhưng ổn định. Chúng tôi không giàu, nhưng cũng đủ sống, có một cậu con trai hiện đang làm việc ở tỉnh thành.
Ban đầu, tôi từng nghĩ mình lấy được một người chồng tốt. Anh không rượu chè, không cờ bạc, về nhà đúng giờ, ít tiêu xài. Tôi tin tưởng anh, tin rằng đây là người đàn ông tôi có thể dựa vào cả đời. Nhưng rồi, mọi thứ bắt đầu thay đổi sau khi mẹ chồng bị tai biến và liệt giường, không còn khả năng tự chăm sóc.
Lúc đó tôi mới 41 tuổi. Con trai mới vào đại học, tiền nong đã eo hẹp, lại thêm mẹ chồng đột ngột đổ bệnh khiến gánh nặng kinh tế càng thêm nặng nề. Nhưng, điều khiến tôi tổn thương hơn cả là cách chồng tôi phản ứng. Khi đó, anh chỉ lạnh lùng nói với tôi:
- Đó là mẹ chồng cô. Là nàng dâu thì cô phải có nghĩa vụ chăm sóc bà.
Tôi cắn răng chấp nhận, vì bà là mẹ chồng tôi, vì tôi tin mình đang giữ gìn một mái ấm. Nhưng tôi không ngờ rằng, sự "chăm sóc" ấy kéo dài suốt 11 năm.
11 năm qua, tôi đã chăm sóc mẹ chồng bị liệt. (Ảnh minh họa)
Thời gian đầu, tôi vẫn hy vọng bà có thể hồi phục, ít nhất cũng có thể tự ăn uống, đi vệ sinh. Nhưng bác sĩ nói rõ, di chứng sau đột quỵ rất khó phục hồi. Bà mất ý thức, tiểu tiện không tự chủ. Tôi ngày ngày dậy từ 5 giờ sáng, lau người, thay bỉm, lật người cho bà, rồi lại vội vã đi bán đồ ăn sáng. Trưa về, lại đút cơm, thay ga giường.
Chồng tôi chưa bao giờ giúp một tay. Có lần tôi nói:
- Anh giúp em một chút, dù sao đó cũng là mẹ anh.
Anh đáp tỉnh bơ:
- Cô ở nhà cả ngày, chẳng phải việc đó là của cô sao?
Tôi lặng người, nhưng vẫn cố gắng nhẫn nhịn vì đây là gia đình của tôi, là nơi con trai tôi lớn lên.
Rồi mẹ chồng bị loét do nằm lâu. Tôi phải rửa vết thương, bôi thuốc, mùi hôi nồng nặc. Thế nhưng, chồng vẫn dửng dưng, mặc kệ mẹ rên đau mỗi đêm.
Một lần tôi không chịu nổi, nửa đêm gọi anh dậy giúp thay thuốc, anh chỉ lật mình nói:
- Tôi mai còn phải đi làm, cô tự xoay xở đi.
Tôi tức phát khóc:
- Mẹ anh sắp không chịu nổi rồi, anh còn ngủ được sao?
Anh lạnh lùng đáp:
- Không muốn chăm thì thôi, ai bắt cô?
Tôi không biết tại sao mình vẫn tiếp tục chịu đựng. Có lẽ vì tình nghĩa, vì trách nhiệm, hoặc chỉ đơn giản là vì tôi không muốn con mình mất đi một mái ấm.
Mẹ chồng mất sau 11 năm nằm liệt giường. Trước khi mất, bà nắm tay tôi, nước mắt lưng tròng, nói đứt quãng:
- Con à… con là con dâu tốt… mẹ có lỗi với con…
Tôi ôm bà, khóc suốt đêm. Nhưng, điều khiến tôi đau nhất lại đến sau đó.
Tôi chăm sóc mẹ chồng tận tình, nhưng chồng lại không đoái hoài tới mẹ. (Ảnh minh họa)
Chỉ một tuần sau tang lễ của mẹ chồng, chồng đặt 70 triệu lên bàn và nói:
- Chúng ta ly hôn đi, mẹ mất rồi, cô cũng hết giá trị.
Tôi như chết lặng. Anh ta nói thẳng:
- Cô chẳng làm ra tiền, tôi không nợ gì cô. Đây là tiền bồi thường cho cô.
Tôi hỏi:
- Tôi đã chăm mẹ anh 11 năm, anh không một lời cảm ơn, giờ còn đuổi tôi đi?
Anh thản nhiên:
- Không ly cũng được, nhà tôi để lại cho con trai. Cô thích thì đi kiện, tôi không sợ.
Tôi ký đơn ly hôn, cầm 70 triệu rời khỏi căn nhà mình đã sống gần 3 thập kỷ. Tôi thuê một căn phòng nhỏ, tiếp tục bán đồ ăn sáng để sống qua ngày. Con trai tôi gọi điện thăm hỏi, nhưng chưa từng đề cập việc mời tôi đến sống cùng với lý do “vợ con không tiện”. Tôi không trách, cũng không mong chờ.
Ba năm sau, tôi nghe tin chồng cũ tái hôn với một phụ nữ bán bảo hiểm, trẻ hơn 10 tuổi. Anh bán cả nhà mua xe cho cô ta, rồi bị lừa mất hết, đến lương hưu cũng không giữ được. Giờ anh ta sống ở căn nhà nát của bố mẹ để lại ở dưới quê. Người ta nói anh rất hối hận. Còn tôi, chẳng muốn gặp lại, cũng chẳng còn oán hận chồng cũ nữa.
Giờ đây, mỗi sáng tôi vẫn dậy từ 5 giờ, bán đồ ăn sáng giữa phố. Vất vả, nhưng lòng tôi yên bình. Người ta bảo tôi khổ, tôi chỉ cười: “Khổ rồi thì chẳng còn gì phải sợ”. Tôi mất một cuộc hôn nhân, nhưng đã tìm lại được chính mình. Nửa đời người đã qua, phần còn lại, tôi chỉ muốn sống vì bản thân, không vì ai mà hy sinh nữa.