“Tuần trăng mật” 60 ngày của cặp đôi tình nguyện chống dịch tại TP.HCM

Cặp đôi vợ chồng bác sĩ Nguyễn Thị Giang và điều dưỡng Nguyễn Ngọc Anh đã tình nguyện vào tâm dịch TP.HCM để trải nghề, phục vụ tổ quốc.

Các đoàn viên thanh niên Bệnh viện Kiến An tại tâm dịch TP HCM (Ảnh do BS Giang cung cấp)

Gặp lại nhóm Phóng viên chúng tôi sau chuyến công tác đặc biệt 60 ngày tại tâm dịch TP.HCM, bác sĩ Nguyễn Thị Giang chia sẻ: “Em đến thành phố Hồ Chí Minh từ 15/7, sau đấy được phân về Bệnh viện hồi sức Covid Thủ Đức - quận 9. Người ta setup ở các tầng, của khoa hồi sức ICU Chợ Rẫy và 115 Gia Định. Ngày 18/7, bọn em làm việc chia theo các ca, các kíp từ khoa cấp cứu đến khoa ICU ở tầng 2A được hơn tuần. Sau đó em được phân lên làm ở tầng 9, là tầng của Bệnh viện Gia Định quản lý.

Bệnh nhân vào viện được em khám nhận định ban đầu, đánh giá tình trạng của họ để phân vào các tầng, tầng bệnh nhân nặng và nguy kịch ICU, còn bệnh nhân nặng hơn chuyển xuống khoa thở máy. Chúng em lên các phác đồ điều trị cho từng bệnh nhân, giao cho các điều dưỡng, y tá chăm sóc, quản lý…

“Tuần trăng mật” 60 ngày của cặp đôi tình nguyện chống dịch tại TP.HCM - 3

Các y, bác sĩ Bệnh viện Kiến An tại Khoa hồi sức covid-19 Thủ Đức, TP.HCM

Công việc của chúng em chia theo ca không có giờ giấc cố định. Ngày đầu tiên làm giờ hành chính: 7h30 sáng đến 18h tối (Có nghỉ trưa). Ngày thứ 2, làm từ 7h30 đến 14h chiều, hết ca. Ngày thư 3, làm từ 18h đến 7h30 sáng ngày hôm sau. Bọn em cứ 1 tuần được xét nghiệm 1 lần. Nếu có triệu chứng sốt hay mệt, sẽ được test nhanh để kiểm tra có bị phơi nhiễm không.

Khoa em chăm sóc, điều trị thường xuyên 70 bệnh nhân lúc nào cũng kín giường. Bệnh nhân nào chuyển đi, thì lại có bệnh nhân khác thế vào.

Quá trình chữa trị bệnh, em cảm nhận được cuộc sống của bệnh nhân Covid-19 quá mong manh. Bệnh nhân đang từ nhẹ, chuyển thành nặng rất nhanh, nếu không được theo dõi, xử lý chữa trị đúng cách. Nếu bệnh nhân đang thở oxy, chỉ sơ xuất 1 chút, bỏ máy thở ra vài chục giây là trụy tim, dễ dẫn đến tử vong ngay. Trong này cũng rất nhiều bệnh nhân trẻ tử vong do bệnh nền. Em nhớ có bệnh nhân tên Hùng người Hà Nội (sinh năm 1997) bạn ấy có cân nặng đến 100kg, có bệnh nền, nên không qua khỏi.

Ngay như bác sĩ Hằng ở khoa hồi sức Bệnh viện Gia định, trong quá trình làm việc đã bị nhiễm bệnh, sau đó chuyển lên khoa em điều trị tích cực, nhưng không qua khỏi…

Được vào tâm dịch chiến đấu cùng các đồng nghiệp và các lực lượng tuyến đầu trong 60 ngày đêm, chúng em mới cảm nhận được sự khắc nghiệt của đại dịch, ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Đoàn chúng em đã có 6 người bị phơi nhiễm Covid-19, nhưng rất may mọi người đã qua khỏi. Tuy nhiên, một số đồng nghiệp là bác sĩ, nhân viên y tế trong ngành trong quá trình phục vụ tổ quốc đã phải hy sinh, nằm lại nơi tâm dịch.

“Tuần trăng mật” 60 ngày của cặp đôi tình nguyện chống dịch tại TP.HCM - 4

Bác sĩ Nguyễn Thị Giang và đồng nghiệp trước giờ vào ca trực

Đoàn y, bác sĩ Bệnh viện Kiến An chúng em có 19 người, chủ yếu là các Đoàn viên trẻ tình nguyện vào TP HCM để trải nghề, phụ vụ tổ quốc. Bọn em đã xác định vào tâm dịch là chấp nhận những rủi ro có thể xảy đến với mình. Nhưng đã “ra trận” thì không thể lùi bước. Bọn em hầu hết là thanh niên trẻ, có sức khỏe tốt, lại được tiêm phòng 2 mũi vắc-xin và làm khá tốt công tác phòng, chống dịch trong quá trình công tác, nên đã chiến thắng Covid-19 để lại trở về với gia đình và quê hương…”

“2 vợ chồng em cùng đăng kí, khi được phân công nhiệm vụ, chúng em sẵn sàng lên đường để thực hiện nhiệm vụ. Thực ra 2 vợ chồng cùng tham gia chống dịch 1 lúc cũng có nhiều thuận lợi. Về mặt tinh thần, luôn luôn động viên nhau, giúp đỡ nhau về mặt chuyên môn. Chúng em được 2 cháu, cháu lớn 8 tuổi cháu bé 4 tuổi. Các con ở nhà được ông bà nội trông nom, nên chúng em cũng yên tâm để làm tốt công việc. Bọn em nhớ con nhiều lắm, ngày nào cũng gọi điện về trò chuyện với các con và ông bà. Các con hiểu được công việc vất vả của bố mẹ, nên cũng rất ngoan ngoãn để bố mẹ yên tâm công tác. Con có nói 1 câu mà em phải suy nghĩ: “Lớn lên con sẽ không theo nghành y đâu, con thấy bố mẹ vất vả lắm”. Con còn dặn: “Hết dịch bố mẹ về với chúng con nhé…”

Công việc chuyên môn của em là chăm sóc toàn bộ bệnh nhân F0. Những bệnh nhân rất nặng có biến chứng, bọn em phải chăm sóc theo dõi tất cả các hoạt động của bệnh nhân như: cho ăn uống, lau rửa vệ sinh cho từng bệnh nhân, cho uống thuốc, tiêm… theo dõi tiến triển điều trị của bệnh nhân từng giờ, từng ngày.

Thời gian làm việc của điều dưỡng, y tá bọn em là chia làm 3 ca 4 kíp, mỗi ca 8 tiếng.

“Tuần trăng mật” 60 ngày của cặp đôi tình nguyện chống dịch tại TP.HCM - 5

Cặp đôi tình nguyện Nguyễn Thị Giang và Nguyễn Ngọc Anh tại điểm nóng dịch bệnh TP.HCM

Vợ chồng em được bố trí ở cùng 1 phòng ở khách sạn, nhưng thường xuyên đi làm lệch giờ nhau. Quá trình điều trị cho bệnh nhân Covid-19, chúng em đã tổng kết và rút ra được rất nhiều kinh nghiệm trong việc khám, điều trị và chăm sóc bệnh nhân. Chắc chắn, khi trở về Bệnh viện Kiến An, nếu có bệnh nhân covid-19, các y, bác sĩ chúng em đã rất thành thục để giúp họ chiến thắng Covid-19.

Vợ chồng bọn em có “tuần trăng mật” 60 ngày rất đặc biệt, ý nghĩa tại Bệnh viện hồi sức Covid-19 Thủ Đức, TP.HCM. Chúng em nhận được nhiều tình cảm yêu quý, động viên, khích lệ từ các đồng nghiệp, các sơ, những người tình nguyện, chính quyền cùng Nhân dân TP.HCM. Đặc biệt là sự quan tâm, động viên, của lãnh đạo Thành phố và các cấp chính quyền Hải Phòng, từ lúc chúng em xuất quân đến khi trở về…”, điều dưỡng Nguyễn Ngọc Anh tâm sự.

Được gặp gỡ, trò chuyện với các chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch, chúng tôi đã cảm nhận được tinh thần tình nguyện “chống dịch như chống giặc”, với ý trí “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” của các đoàn viên, thanh niên ngành Y xung trận, cứu dân thật đáng khâm phục.