50 triệu đồng không “trôi” cái Tết vì chồng đòi chi mạnh tay

Chi tiêu làm sao để vừa có cái Tết no đủ, vừa không “quá tải hầu bao” là điều khiến nhiều bà vợ, bà mẹ đau đầu.

Tết cận kề cũng là lúc nhiều chị em lo sốt vó các khoản chi tiêu ngày Tết. Tiền quà cáp biếu xén họ hàng, người thân, tiền tàu xe đi lại, tiền lì xì, tiền sắm sửa Tết… Chi tiêu làm sao để vừa có cái Tết no đủ, vừa không “quá tải hầu bao” là điều khiến nhiều bà vợ, bà mẹ đau đầu.

50 triệu đồng chưa xong cái Tết

Chị Thuý Bình (32 tuổi) hiểu rất rõ nỗi lo này bởi 5 năm về nhà chồng là 5 năm chị phải “chạy đôn chạy đáo” lo tiền tiêu Tết. Chị thừa nhận, gia đình chị không phải quá khó khăn về kinh tế, vợ chồng đều có công việc ổn định nên việc lo một cái Tết no ấm như mọi nhà khác là không khó. Thế nhưng, do chồng chị quá nặng nề chuyện biếu tặng họ hàng, thích tổ chức ăn uống linh đình suốt mấy ngày Tết nên khoản chi tiêu Tết mới bị “đội lên”. Mỗi năm, vợ chồng chị phải chi khoảng 50 triệu đồng cho mấy ngày Tết.

50 triệu đồng không “trôi” cái Tết vì chồng đòi chi mạnh tay - 1

Rất nhiều chị em áp lực bởi tiền tiêu Tết (ảnh minh hoạ)

Chị Thuý Bình kể, ngày Tết, chị phải chi các khoản tiền cố định như: biếu ông bà nội ngoại mỗi bên 10 triệu đồng, tiền tàu xe đi lại hai bên 4 triệu đồng, tiền sắm sửa ngày Tết (bao gồm thực phẩm, bánh kẹo, trang trí nhà cửa) 7 triệu đồng, tiền lì xì Tết hơn 10 triệu đồng… chưa kể tiền mua quà cáp biếu tặng và những chi phí phát sinh. Vợ chồng chị phải dự trù khoản tiền vài chục triệu mới “xong” cái Tết.

“Chồng tôi mỗi năm lại nghĩ ra một vài thứ để tặng cô, dì, chú bác, anh chị em ruột. Năm thì mỗi nhà một két bia ngoại, giá 800.000/két, năm thì bánh kẹo ngoại, năm lại cân chè xịn… Nhà tôi có 7 nơi cần biếu xén, tổng cộng cũng hết vài triệu đồng. Chồng tôi là con trưởng, ngày 29 tháng chạp năm nào anh cũng tổ chức một bữa ăn tất niên khoảng 6, 7 mâm, ăn uống thì toàn của ngon vật lạ. Khoản này rơi vào khoảng 8 đến 10 triệu đồng nữa. Chưa kể, có năm chồng tôi còn đứng ra tổ chức cho cả nhà đi du xuân, tổng chi phí cái Tết đó tôi không buồn tính đếm vì hết quá nhiều”, chị chia sẻ.

Năm nay, chị bị cắt giảm thưởng Tết, chồng chị cũng thu nhập bấp bênh, nghĩ đến các khoản chi tiêu Tết chị càng thêm đau đầu. Chị bàn với chồng nên cắt giảm những khoản tiêu Tết không quá cần thiết như chuyện tổ chức tất niên, mua quà cáp biếu xén, đi du xuân… nhưng chồng chị vẫn một mực quan niệm “đói giỗ cha, no ba ngày Tết”.

“Chồng tôi nói tiền thưởng Tết không đủ thì rút tiền tiết kiệm ra tiêu, Tết năm trước thế nào, Tết năm nay vẫn vậy, khoản quà cáp lại càng không thể bớt. Tiền tiết kiệm là để lo cho con cái học hành, phòng khi ốm đau, giờ anh ấy bảo rút mấy chục triệu ra tiêu Tết, tôi cũng rầu lòng. Niềm vui ngày Tết là ở sự ấm cúng, quây quần chứ đâu phải cứ chi tiêu mạnh tay mới là Tết”, chị tâm sự.

“Chạy đôn chạy đáo” lo cho mẹ chồng mua quà Tết biếu xén họ hàng

Chi tiêu ngày Tết đối với chị Lê Thuỷ (35 tuổi) cũng là một bài toán khó giải. Mọi năm, Tết với chị khá nhẹ nhàng, nhiều tiền thì Tết to, ít tiền thì Tết nhỏ, vợ chồng chị “liệu cơm gắp mắm” là xong 3 ngày Tết. Nhưng năm nay, mẹ chồng chị lên thành phố ở cùng con cháu, Tết trở nên phức tạp hơn nhiều.

Chị Thuỷ kể, trước Tết hơn 1 tháng, mẹ chồng chị đã gợi ý chuyện mua quà Tết biếu anh em họ hàng. Chị chối khéo, cho rằng mọi năm vợ chồng chị không có lệ đó thì năm nay cũng không cần thiết. Ai dè, mẹ chồng chị dằn dỗi, nói ra thành phố ở cùng con cháu mà Tết nhất lại về tay không thì mọi người cười chê.

Vợ chồng chị bất đắc dĩ phải chiều theo ý mẹ nhưng khi hỏi ra thì thấy số nơi cần biếu tặng là quá nhiều, chưa kể, quà cáp bà muốn biếu đều là hàng xịn. Chị nhẩm tính, khoản chi phát sinh này rơi vào khoảng 5-7 triệu đồng.

“Năm nay kinh tế vốn đã khó khăn, tôi lại phải phải lo thêm một khoản cho việc không cần thiết chỉ để chiều ý mẹ chồng. Cứ cho là vợ chồng tôi có thể lo liệu được nhưng nó sẽ tạo thành cái lệ, rồi năm sau quà lại nhiều hơn, xịn hơn năm trước. Như vậy sẽ rất mệt mỏi”, chị chia sẻ.

Tuỳ thuộc vào tình hình tài chính và hoàn cảnh mà mỗi gia đình sẽ có mức chi tiêu Tết khác nhau. Tuy nhiên, không nên để việc chi tiêu Tết trở thành áp lực, bởi lẽ, hạnh phúc ngày Tết đơn giản là các thành viên trong gia đình khoẻ mạnh, quây quần bên nhau.