Giai đoạn 1: Đam mê
Đây là giai đoạn “mật ngọt” nhất khi bước vào cuộc sống hôn nhân, nhưng nó có thời gian rất ngắn ngủi, thường kéo dài khoảng 2 năm đầu tiên. Dù bạn kết hôn muộn hay sớm, sự ngọt ngào trong mối quan hệ mới là vợ chồng sẽ khiến cả 2 không chỉ yêu nhau điên cuồng, mà còn khiến cho 2 người tin tưởng nhau và tôn trọng nhau nhiều hơn. Tình cảm thân mật lúc này sẽ giúp kéo dài mối quan hệ trong thời gian về sau.
Giai đoạn 2: Hiện thực hóa
Trong giai đoạn này, sau khi kết thúc 1 hoặc 2 năm “mật ngọt”, vợ chồng sẽ bắt đầu có cái nhìn thực tế hơn về hôn nhân trong suốt phần còn lại của quãng đời mình. Lúc này, bạn có thể phát hiện ra rất nhiều tính xấu của nửa kia. Thất vọng và xung đột là đặc điểm nổi bật nhất của giai đoạn hiện thực hóa.
Nền tảng của một cuộc hôn nhân lâu dài là chấp nhận con người thật của nhau, tôn trọng đối phương và cởi mở để chia sẻ với nhau một cách chân thành. Bạn cần phải trao đổi thẳng thắn với đối phương, nói ra những nhu cầu và mong muốn của bản thân. Điều này sẽ tạo ra nền tảng để cả 2 hiểu nhau nhiều hơn và cùng nhau vượt qua những tranh cãi thường ngày.
Hiểu rõ từng giai đoạn trong hôn nhân sẽ giúp mối quan hệ kéo dài lâu hơn. (Ảnh minh họa)
Giai đoạn 3: Nổi loạn
Bước vào giai đoạn này, vợ nhớ về bạn bè mình, chồng nhớ về những thú vui trước đây. Vợ muốn đi du lịch, chồng muốn chơi bóng đá hằng tuần. Vợ muốn xây dựng sự nghiệp, chồng cũng muốn có sự nghiệp riêng. Khi những nhu cầu riêng xuất hiện vào lúc này, hãy chuẩn bị cho những cuộc chiến không có hồi kết.
Trong giai đoạn nổi loạn, tình yêu dần cạn đi sau những lần đấu tranh giành quyền lực. Cả 2 đều nghĩ bản thân mình là đúng, nửa kia là sai. Mặc dù việc tranh cãi trong hôn nhân là không thể tránh khỏi, nhưng cần hiểu rõ bản chất của vấn đề. Khi quá tức giận hoặc thất vọng, không ít người đã tìm đến những thú vui bên ngoài để khuây khỏa như ngoại tình, chi tiêu quá mức… Bất kỳ vấn đề gì phát sinh trong lúc này cũng có thể dẫn tới một kết cục buồn trong hôn nhân.
Giai đoạn 4: Hợp tác
Khi hôn nhân tiến triển theo thời gian, chắc chắn nó trở nên phức tạp hơn. Những nhu cầu trong cuộc sống sẽ ngày càng nhiều hơn, sự phát triển nghề nghiệp, nhà cao cửa rộng, con cái ăn học… Trong giai đoạn này, hôn nhân giống như kinh doanh. Gác lại những cảm xúc của tình yêu, cả 2 vợ chồng lúc này nhận thức được bản thân cần phải cố gắng thật nhiều để chi trả các khoản vay hay để mua thêm thứ này thứ kia phục vụ cho nhu cầu cuộc sống thường ngày.
Giai đoạn 5: Đánh giá
Nếu bạn có con, giai đoạn hợp tác thường kéo dài từ 10 – 20 năm sau đó đột nhiên biến mất. Khi việc nuôi dạy con cái đã dần không còn là gánh nặng, tài chính ổn định, mọi thứ tưởng chừng như đã viên mãn thì lúc này là thời gian để các cặp vợ chồng đánh giá lại người bạn đời của mình một lần nữa.
Khi cảm thấy cuộc sống hiện tại quá đủ đầy, không ít các cặp vợ chồng bắt đầu rơi vào cảm giác nhàm chán ở đối phương. Lúc này, nếu không ý thức được sẽ dễ sa ngã vào những mối quan hệ mới mẻ khác.
Giai đoạn 6: Khủng hoảng
Mất việc, bệnh tật, chuyển nhà, rắc rối tài chính, sự mất mát trước cái chết của người thân… đều khiến mọi thứ xáo trộn. Những sự kiện này ảnh hưởng rất lớn đến mối quan hệ của 2 vợ chồng. Điều đặc biệt nhất là giai đoạn này có thể xảy ra bất cứ lúc nào, không tuân theo trình tự thời gian nhưng thường xảy ra nhiều ở tuổi 40 và 50.
Hôn nhân lúc này, nếu nhận được sự hỗ trợ, an ủi, động viên từ người bạn đời thì trong những năm tháng về sau, cả 2 càng thêm gắn bó.
Giai đoạn 7: Hoàn thành
Rất nhiều cuộc khảo sát cho thấy hạnh phúc hôn nhân sẽ tăng sau vài thập kỷ chung sống với nhau. Các chuyên gia nói rằng đó là vì con cái đã lớn, vợ chồng đã thấu hiểu lẫn nhau mọi thứ trong cuộc sống, họ cũng đã chấp nhận những tính xấu của nhau và chung sống trong hòa bình.
Trong giai đoạn cuối cùng của hôn nhân này, cả 2 tuy không còn tình yêu mặn nồng như thuở ban đầu nhưng đó là tình cảm trân trọng nhau vì đã cùng đi qua nhiều giông bão của cuộc đời. Những gì bây giờ cả 2 cần là sự bình yên trong những tháng ngày còn lại của cuộc đời.