Sau khi chúng tôi cưới được 1 năm thì có ý định ra ngoài ở riêng. Nhưng bố chồng không đồng ý, ông bảo con trai út lấy vợ xa nhà, còn con gái về nhà chồng nên ông muốn chúng tôi ở cùng.
Thương bố mẹ về già không có ai chăm sóc, thế là chồng tôi quyết tâm đập bỏ nhà cũ xây nhà mới cho rộng rãi khang trang hơn. Ngày ấy tôi khuyên can đủ lời nhưng chồng nói bỏ vợ chứ không bao giờ xa bố mẹ.
Nhà xây được vài năm, chưa kịp sang tên sổ đỏ cho chúng tôi thì bố chồng đã mất. Vài lần chồng tôi nói chuyện với các em và mẹ về vấn đề sổ đỏ nhưng không ai cho vợ chồng tôi phần được thừa kế.
Khi em trai chồng tên Toàn làm ăn thua lỗ, phải bán nhà về quê lập nghiệp thì gia đình tôi bị xáo trộn hoàn toàn. Từ ngày về sống cùng, Toàn rất khéo léo nịnh nọt chiều chuộng mẹ và lấy được lòng của bà.
Ngôi nhà vốn rộng rãi, từ ngày gia đình Toàn đến sống thì chật chội hẳn lên kể cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Đồ đạc trong kho chuyển về hết các phòng để lấy chỗ cho 2 đứa cháu ở.
Tháng đầu tôi bỏ tiền ra chi ăn uống cho cả nhà, qua tháng sau, vẫn không ai nói gì nên tôi họp gia đình nói chuyện tiền nong. Tôi bảo bếp nhỏ, không thể ăn riêng được, thế nên mỗi gia đình sẽ phải chi tiền ăn 1 tháng.
Tôi bảo bếp nhỏ, không thể ăn riêng được, thế nên mỗi gia đình sẽ phải chi tiền ăn 1 tháng. (Ảnh minh họa)
Em dâu đồng ý với phương án của tôi. Nhưng em ấy tính toán rất chặt chẽ, những thứ em ấy mua về cho cả nhà ăn toàn món rẻ tiền, chất lượng kém. Chẳng hạn như thịt em chọn phần nách và đầu lợn giá rẻ bởi nó có nhiều hạch. Đi chợ tôi không bao giờ dám mua 2 thứ đó.
Rau củ quả phải mua vào chợ sáng mới tươi ngon, còn em cứ chọn khi nào người ta bán ế hàng và ép giảm bớt giá mới mua. Lo sợ sức khỏe của cả gia đình bị ảnh hưởng, vài lần tôi yêu cầu em dâu đưa tiền cho chị dâu đi chợ nhưng em cứ sợ tôi bớt xén nên không chịu.
Không hiểu Toàn đã cho mọi người những gì mà mẹ và em gái chồng đồng ý cho phần đất được thừa kế của ngôi nhà. Theo luật, ngôi nhà của bố mẹ chồng được chia đôi, mẹ chồng 1 nửa, phần còn lại của bố chồng. Khi ông mất thì phần đất sẽ chia cho 3 con và mẹ chồng. Như thế vợ chồng tôi được 1 phần rất nhỏ trong ngôi nhà đó.
Chúng tôi chấp nhận ra ngoài sống với điều kiện là Toàn phải trả cho tôi số tiền xây dựng lên ngôi nhà. Em ấy đồng ý trả tiền làm nhà nhưng xin được trả dần dần.
Thương vợ chồng tôi sống tốt mà bị nhà nội đối xử chẳng ra gì nên ông bà ngoại quyết định sang tên mảnh đất đang ở cho chúng tôi đến sống. Lúc đầu chồng tôi không muốn ở rể nhưng trước áp lực của mẹ chồng và các em, anh ấy tức quá chuyển hết đồ đạc qua nhà ngoại. Hiện tại ông bà ngoại đã mất, chúng tôi có cuộc sống yên ổn.
Toàn đồng ý trả tiền làm nhà nhưng xin được trả dần dần. (Ảnh minh họa)
Cũng từ ngày rời khỏi nhà chồng, anh em chúng tôi rất hiếm khi gặp nhau. Bởi sau khi chiếm được ngôi nhà, Toàn mới lộ bản chất thật. Khi chúng tôi ép em ấy trả số tiền đã bỏ ra làm nhà, Toàn bảo sẽ đồng ý trả nếu vợ chồng tôi chịu ký vào giấy cho tặng đất em ấy trước. Không còn sự lựa chọn khác, cuối cùng chúng tôi buộc phải ký giấy tặng đất cho Toàn để lấy được khoản tiền làm nhà.
Ngày Toàn định bán nhà, chúng tôi qua ngăn cản thì em bảo chỉ có thế mới trả hết nợ cho vợ chồng tôi. Nhưng khi bán nhà, em ấy dùng hết tiền để trả nợ người ta mà không trả vợ chồng tôi đồng nào. Lại 1 lần nữa tin tưởng Toàn và bị mắc lừa nên vợ chồng tôi cạch mặt em luôn.
Thế nhưng tuần vừa rồi, bất ngờ vợ chồng Toàn và em gái chồng qua nhà tôi nói chuyện. Đồng thời đưa di ảnh bố đến để nhờ chúng tôi thờ cúng, bởi phòng trọ nơi Toàn ở họ không cho đặt bàn thờ.
Nghĩ đến những việc Toàn và mẹ chồng đã đối xử với gia đình tôi, tôi hận họ thấu xương, tôi không muốn nhìn thấy mặt mấy người ấy. Vậy mà chồng khuyên tôi quên quá khứ, đối xử tốt với mẹ và các em để cho các con nhìn vào học tập. Nếu chúng tôi hẹp hòi như Toàn, rồi sau này các con cũng học điểm xấu của bố mẹ sao.
Quan điểm sống của tôi, ai tốt với mình thì mình tốt lại, còn ai xấu thì đáp trả. Theo mọi người, tôi có thể áp dụng quan điểm đó cho anh em trong gia đình được không?