Mọi người nhận xét, ngoại hình tôi không xấu, tính cách rất tốt thế nhưng tình duyên lận đận, 30 tuổi chẳng có người đàn ông nào ngó ngàng đến. Ngày đó, tôi tủi thân lắm, bạn bè lấy chồng hết, thậm chí những đứa cháu thua cả 10 tuổi cũng hạnh phúc bên chồng con, còn tôi vẫn lẻ loi sớm tối một mình.
Khi tôi 40 tuổi cũng có một người đàn ông hỏi cưới. Khi biết vợ anh ấy mới mất chưa qua 49 ngày và có những 6 đứa con chưa lập gia đình, tôi thất vọng ghê gớm. Lần đầu tiên trong đời có người đàn ông để ý đến lại là người có gia đình rồi.
Nghe thấy có người hỏi cưới, bố mẹ và anh em hối thúc tôi lập gia đình, mọi người cho rằng số tôi phải như thế và hãy thuận theo nó. Các con của người đàn ông kia lớn rồi, tôi cũng không phải chăm sóc gì mà được đàn con gọi là mẹ. Cứ sống tốt với con chồng là tôi sẽ được hạnh phúc.
Có lẽ, tôi là mối bận tâm và lo lắng của cả gia đình, tốt nhất đi cho mọi người yên lòng và tôi đã quyết định lấy chồng.
Trước ngày cưới, có người ghé vào tai tôi nói:
“Gia đình đó nợ nần nhiều lắm, cháu nên hủy bỏ chuyện cưới xin nhanh cho đỡ khổ quãng đời còn lại”.
Bố mẹ và anh em hối thúc tôi lập gia đình, mọi người cho rằng số tôi phải như thế và hãy thuận theo nó. (Ảnh minh họa)
Lúc đó, tôi hoang mang lắm và vội vàng đến xin lời khuyên của chị dâu. Tôi rất bất ngờ khi chị đã biết sự thật đó từ lâu, thậm chí còn biết nguyên nhân nợ do người vợ đã khuất của chồng sắp cưới của tôi chi tiêu hoang phí để lại. Chị chốt lại câu:
“Gia đình ấy cần có một người vợ đảm đang để gồng gánh, em mà vực dậy được, chồng con sẽ ghi nhớ công lao. Còn nếu nhà người ta giàu có mà em bước vào thì sẽ bị cho là tham của”.
Khắc ghi lời chị dâu, tôi vững vàng bước tiếp con đường đã chọn. Sau đám cưới, các chủ nợ lần lượt đến đòi tiền, trong khi chồng tìm cách lẩn trốn thì tôi lại lao ra đón tiếp mấy người lạ đó.
Lúc đó, tôi tiếc lắm nhưng đổi lại là lời cảm ơn của chồng và sự kính nể của những đứa con chồng. Nợ nần đã trả xong, tôi yên tâm sống và làm việc bên gia đình mới.
Ngày lấy chồng, tôi vẫn còn ở độ tuổi sinh đẻ nhưng tôi không muốn sinh em bé vì muốn toàn tâm lo tốt cho những đứa con chồng. Tôi có suy nghĩ rất đơn giản, cứ sống tốt, dạy dỗ con tốt thì đứa nào cũng có hiếu, coi con chồng như con đẻ thì gia đình sẽ yên ổn.
Hiện tại vợ chồng tôi đã có tuổi, không thể đi làm kiếm tiền được nữa. Chúng tôi không có lương hưu, chỉ có chút tiền tiết kiệm lấy ra ăn dần. Đôi lúc tôi cũng sợ ốm đau bệnh tật, không có tiền đi viện rồi lại khổ.
Những bữa cơm của 2 vợ chồng chỉ có cơm, rau và vài con cá kho hay đậu rang. Tiền ăn uống thì hết ít nhưng đình đám thăm những người ốm đau nhiều. Tôi rất đau đầu vì những khoản tiền bất ngờ đó. Nhưng rồi, tôi lại cho rằng cứ đến đâu hay đến đấy, nghĩ nhiều tiền cũng không đẻ ra mà con mắc thêm bệnh lại tốn tiền đi viện thì khổ.
Chúng tôi không có lương hưu, chỉ có chút tiền tiết kiệm lấy ra ăn dần. (Ảnh minh họa)
Hôm chủ nhật vừa rồi, đứa con gái út của chồng về nhà chơi đúng vào lúc bố mẹ đang ăn cơm. Nhìn thấy mâm cơm đạm bạc, con trách tôi:
“Bố mẹ có tiền chi tiêu tiết kiệm làm gì cho khổ, bán dần vàng đi mà ăn”.
Tôi ngượng ngùng nói với con:
“Mỗi năm bố mẹ thu được 2 vụ mùa lời được 8 triệu, số tiền đó chia ra đủ tiền ăn cho cả năm. Thỉnh thoảng có người thuê mẹ đi làm cỏ thuê, tiền đó để chi tiêu đình đám, thăm mọi người hay lo Tết và phòng lúc ốm đau. Từ ngày lấy bố con đến giờ, mẹ chưa biết đến một phân vàng nào, lấy vàng đâu mà bán đây con?”.
Nghe xong những lời tôi nói, con gái đã khóc và nói lời xin lỗi:
“Bọn con thật vô tâm quá, chúng con cứ nghĩ bố mẹ có cuộc sống dư giả, ai ngờ lại khó khăn đến thế này”.
Ngay sau đó, con gái gọi điện cho các anh chị khác và mọi người đi đến thống nhất mỗi tháng sẽ gửi cho vợ chồng tôi 5 triệu để chi tiêu sinh hoạt, còn lúc ốm đau bệnh tật thì chúng tôi không phải lo, đã có các con đảm nhận hết.
Những lời nói chắc chắn của con chồng làm tôi thấy hạnh phúc vô cùng, sự hi sinh của tôi cũng có ngày gặt được trái ngọt.