Càng nghĩ mà Phương càng thấy tê tái… (Ảnh minh họa)
Vợ chồng Phương và Giang cùng quê Bắc Giang, lấy nhau đã được 5 năm, có một cô con gái nhỏ 3 tuổi. Cả hai sống ở một căn hộ chung cư ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) được mua bởi 500 triệu tiền của hai vợ chồng tích góp và 600 triệu tiền vay mượn hai bên gia đình.
Thế nên mặc dù không phải vay ngân hàng nhưng vợ chồng Phương vẫn phải chịu áp lực về việc phải trả nợ cho người thân.
Giang làm nhân viên cho một công ty xuất khẩu lao động, tháng được 20 triệu trong khi Phương làm kế toán cho công ty tư nhân, vỏn vẹn hàng tháng là 10 triệu.
Giang không phải người keo kiệt, mỗi tháng, sau khi lĩnh lương, anh đưa cho vợ 15 triệu, còn giữ lại 5 triệu để tiền xăng xe và ăn trưa. Phương lấy số lương của chồng gom lại gửi trả tiền nhà, còn lương của cô để dành sinh hoạt.
Nói ra con số 10 triệu thì cứ tưởng to tát, nhưng thử cầm mà trang trải cho cả gia đình mới biết 10 triệu chẳng là gì cả. Phương luôn cố gắng chi tiêu tiền ăn, gồm cả trái cây của cả nhà vào khoảng 150 nghìn đồng mỗi ngày, vị chi 1 tháng đã là 4,5 triệu. Chưa nói còn bao nhiêu các khoản khác: tiền phí chung cư mất 500.000/tháng, điện nước, mạng internet trung bình là 700 nghìn, tiền học cho con 3 triệu, tiền giấy vệ sinh, sữa tắm, dầu gội đầu, tiền hiếu hỉ… khiến đôi tháng Phương bị thiếu phải khấu trừ vào khoản tiền lương của chồng. Nhiều khi đi vào siêu thị hay vào cửa hàng quần áo trẻ em, muốn sắm cho con chiếc váy mới cho xinh, Phương cũng phải ghìm mình lại.
Trước đây, Giang luôn tỏ ra yêu thương vợ và không bao giờ hỏi vợ chi tiêu cụ thể ra sao. Nhưng từ sau Tết vừa rồi đến giờ, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, công ty anh cắt giảm lương vì tạm ngừng hoạt động xuất khẩu lao động ra nước ngoài, Giang hay tỏ ra bực dọc về chuyện chi tiêu với vợ. Anh cằn nhằn việc vợ không đưa cho chồng tiền cà phê, ăn trưa thêm.
Cuối tuần rồi, trong lúc nằm nhà đọc báo và lướt facebook, Giang chê Phương không biết chi tiêu, rằng anh đọc trên mạng nhà người ta có 5 triệu mà vừa ăn vừa tiêu cả nhà vẫn đủ.
"Em xem lại chi tiêu, người ta đăng ảnh bữa cơm đầy đủ thịt cá, dinh dưỡng, trái cây như này mà chỉ có 80 nghìn đồng thôi. Anh chả hiểu em tiêu gì mà nhà có hai vợ chồng với 1 đứa con nhỏ mà tháng hết cả chục triệu vẫn kêu thiếu!" – Giang quay sang vợ nói.
Phương nghe bực lắm, cô đã hết sức tiết kiệm, tính toán từng đồng, nát óc nghĩ ăn uống thế nào vừa tiết kiệm mà vừa đủ chất cho cả nhà trong khoản tiền eo hẹp 150 nghìn đó, gồm có cả ăn sáng và ăn tối chưa kể tiền mắm muối, dầu ăn, gia vị.
Thấy vậy Phương đành nói: "Chồng ơi, em dạo này kẹt công việc nhiều, từ mai anh cầm tiền chợ giúp em. Như thế có khi lại tiết kiệm được ra, chứ em thấy mình cầm tiền vèo cái là đã hết, tháng nào cũng thiếu".
Chỉ nghe vợ nói thế, Giang đùng đùng nổi giận, quát vợ: "Ô hay, cô không biết chi tiêu thì nói cho xong. Tôi mới bảo cô vậy mà đã đẩy việc cho tôi rồi. Cô bảo tôi cầm tiền chợ có khác nào bảo tôi là đàn ông mặc váy không".
Phương nghe mà buồn, xót xa, cô định nói thanh minh mà không hiểu sao lại im lặng vì thấy rằng có nói thêm chồng cũng không thấu hiểu.
Vậy là cả một quãng thời gian dài qua, cô không được chồng công nhận, khen ngợi một câu, mà giờ còn bị đay nghiến, mắng mỏ như thể cô là người hoang phí, vung tay quá trán vậy. Càng nghĩ mà Phương càng thấy tê tái…