Bày tỏ tình yêu trên mạng nhiều hơn ở nhà
Đối phương đăng hết ảnh này đến ảnh khác trên mạng xã hội để khoe bạn và tình yêu tuyệt vời của họ, chưa chắc thật sự đã thế. Các nghiên cứu đăng trên Thư viện Y khoa Mỹ năm 2014 cho hay, khi một người cảm thấy chuyện tình cảm của họ xấu đi, họ sẽ sử dụng mạng xã hội để thể hiện cho mọi người biết mình đang yêu. Cũng có thể, đối phương chỉ muốn thể hiện mức độ thành công của mối quan hệ với bạn trước sự chú ý của nhiều người trên mạng.
Ngoài ra, nếu đối phương chỉ tốt và chú ý đến bạn khi đi chơi với bạn bè, nhưng lúc chỉ có hai người họ lại thờ ơ, thì đó là dấu hiệu của tình cảm không thật lòng. Nếu những cử chỉ yêu thương dừng lại và sự im lặng bắt đầu sau cánh cửa phòng đóng kín, thì người bạn đang yêu chỉ đang bày ra một "sân khấu" cho người khác xem mà thôi.
Những cuộc trò chuyện nhạt nhẽo
Khi một mối quan hệ lành mạnh và thực sự sâu sắc, hai người yêu nhau phải cởi mở về bản thân và thế giới xung quanh. Nếu có tình cảm thật lòng, cả hai luôn hướng về đối phương và muốn được chia sẻ với nhau mọi điều.
Nếu người bạn yêu chỉ bắt chuyện khi họ cần bạn hoặc dù bạn cố gắng bắt chuyện mà họ cũng không quan tâm, thì nên xem lại. Rất có thể, tình yêu chỉ xuất hiện từ phía bạn, không phải cả hai.
Đối phương cố gắng thay đổi bạn
Hai người yêu nhau có thể có những điểm không hài lòng với đối phương, nhưng họ sẽ tôn trọng quyền riêng tư của người còn lại. Trong một mối quan hệ không thật lòng, đối phương luôn muốn thay đổi điều họ không thích ở bạn.
Người này muốn bạn thay đổi bản thân để làm hài lòng và đáp ứng nhu cầu của họ. Họ đặt bản thân lên trên bạn, lên trên tình cảm của hai người. Khi không làm theo đòi hỏi của người đó, bạn phải đối mặt với những mâu thuẫn và xung đột khi bên nhau.
Nhà văn Mỹ, Ernest Hemingway từng nói: “Điều đau khổ nhất là đánh mất bản thân khi yêu một ai đó quá nhiều và quên mất rằng mình cũng đặc biệt”. Nên nhớ, tình yêu đích thực sẽ không khiến bạn trở thành một con người hoàn toàn khác. Nó giúp bạn thể hiện tất cả những điều tốt đẹp của mình và sống là chính mình.
Không hợp tác giải quyết xung đột
Xung đột và bất đồng là điều thường xuyên xảy ra khi hai người yêu nhau. Nếu yêu thật lòng, bạn và người ấy sẽ cùng nỗ lực để giải quyết, tìm ra tiếng nói chung để cả hai có thể hiểu, đồng cảm, tôn trọng và chia sẻ cùng nhau.
Khi yêu, ai cũng sợ hành động của mình gây tổn thương đến đối phương. Nếu đối phương không quan tâm đến giải quyết mâu thuẫn mà chỉ bỏ đi, có thể họ không còn muốn lắng nghe hay quan tâm đến cảm xúc của bạn.
Bạn không phải là người được ưu tiên
Nếu yêu bạn, đối phương sẽ cố tham gia những hoạt động miễn là có bạn ở đó. Người đó thậm chí sắp xếp lại toàn bộ lịch trình của mình để có cơ hội gần bạn nhiều hơn.
Thi thoảng người yêu có thể lỡ hẹn với bạn, vì lý do bất đắc dĩ. Nhưng nếu nó xảy ra thường xuyên, có thể tình yêu họ dành cho bạn là không nhiều.
Không lập kế hoạch tương lai với bạn
Nếu trong một mối quan hệ sâu sắc và nghiêm túc, sớm muộn gì hai người cũng tính chuyện tương lai. Còn khi người yêu không hứng thú chuyện có con, kết hôn hay đơn giản là gặp gỡ gia đình nhau, có lẽ họ thực lòng không muốn gắn bó với bạn.
Thường xuyên nhắc đến người yêu cũ
Có thể với đối phương, bạn chỉ là người thay thế tình cũ của họ. Họ bên bạn để xoa dịu nỗi đau khi bản thân vừa trải qua đổ vỡ. Điều này rất khả thi nếu đối phương hay nhắc đến người yêu cũ, thậm chí so sánh người đó với bạn. Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy trái tim người đó đang mắc kẹt trong quá khứ.