Vợ chồng tôi lấy nhau đến nay cũng gần 7 năm, có 2 cô con gái. Cả hai đều làm trong nhà nước, thu nhập ở mức trung bình khá. Cuộc sống nói chung chỉ đáp ứng những nhu cầu cơ bản, không dư dả nhiều.
Từ lúc kết hôn đến giờ, tôi khá hài lòng về vợ vì cô ấy biết chăm lo cho gia đình. Chỉ có điều, áp lực tiền bạc cũng khiến chúng tôi đôi khi hay xảy ra xích mích. Vợ hay phàn nàn chuyện không có nhiều tiền để mua sắm thêm trong gia đình.
Biết hoàn cảnh nhà mình, tôi cũng cố gắng làm thêm ở ngoài để gia tăng thu nhập. Lúc thì tranh thủ làm môi giới bất động sản, khi thì làm tiếp thị, bán sản phẩm chỗ người quen để được nhận chiết khấu. Thế nhưng tất cả đều không khả quan lắm.
Chồng choáng váng khi bị vợ bắt kiêng cữ trong tháng 7 âm lịch. Ảnh minh họa
Thậm chí tôi đã từng đi vay tiền để góp vốn làm ăn với bạn nhưng cuối cùng cũng bị thua lỗ, tiền chả thấy đâu, chỉ thấy thêm khoản nợ. Vì chuyện này, tôi bị vợ nói suốt mấy tháng trời vì không biết tính toán làm ăn, mang nợ về nhà.
Dĩ nhiên, bị vợ nói, tôi cũng chẳng hề dễ chịu gì. Nhưng tôi cũng lấy đó làm động lực để tiếp tục cố gắng, phấn đấu cho các con có cuộc sống tốt hơn.
Nửa năm trở lại đây, vợ tôi có tham gia kinh doanh các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp dành cho chị em phụ nữ. Tôi hỏi thì vợ nói, công việc này đang rất "hot" nên phải tranh thủ làm ngay.
Thời gian đầu, được bạn bè, người thân, người quen mua ủng hộ, vợ tôi mừng lắm. Cô ấy đã nghĩ đến chuyện nghỉ việc để tập trung kinh doanh nhưng bị tôi can ngăn. Tôi nói chờ thêm một thời gian nữa xem thế nào, nếu thực sự hợp kinh doanh và đi được đường dài với công việc này, lúc ấy, tôi hoàn toàn ủng hộ mọi quyết định của vợ.
Dạo gần đây, thấy việc buôn bán có vẻ chững lại, vợ tôi có xu hướng đi lễ lạt đình, đền, chùa nhiều hơn. Không chỉ ở Hà Nội, cô ấy còn tìm đến những nơi được cho là linh thiêng trong việc xin lộc kinh doanh.
Cũng từ đó, câu chuyện trong gia đình tôi luôn xoay quanh các vấn đề tâm linh, cúng bái, làm sao để có nhiều "lộc lá" và nhanh giàu. Đương nhiên, tôi cũng muốn công việc tay trái của vợ thuận lợi nhưng dần dần, tôi thấy vợ hơi sa đà vào việc này, đến mức có thiên hướng mê tín dị đoan.
Đỉnh điểm, từ khi sang tháng 7 âm lịch hay nhiều người còn gọi là tháng "cô hồn", vợ tôi còn đưa ra một loạt những điều kiêng kỵ không được làm khiến tôi nghe xong cũng bị sốc vì nó quá phi lý. Nào là yêu cầu cả nhà không được đi ra ngoài vào buổi tối. Nhất quyết phải về nhà trước 7 giờ tối và ở yên trong nhà không đi đâu nữa.
Không những thế, dù biết cơ quan tôi có kế hoạch đi du lịch vào giữa tháng này nhưng vợ khăng khăng bắt tôi phải báo hủy không đi nữa vì phải kiêng không được đi xa, dễ gặp tai nạn, rủi ro.
Chưa hết, khi mới kinh doanh, vợ nói tôi kiêng gần gũi vợ chồng vào ngày mùng 1 âm lịch và 15 hàng tháng. Nhưng trong tháng 7 âm này, cô ấy bắt tôi phải kiêng cả tháng với lý do nếu hai vợ chồng gần gũi sẽ gây suy yếu cơ thể, rồi vợ chồng dễ xung khắc khiến gia đình lục đục (?!).
Khi tôi cho rằng những điều vợ nói là mê tín, nhảm nhí, lập tức cô ấy giận dữ ra mặt. Cô ấy nói tôi không có hiểu biết về tín ngưỡng, phong tục tập quán, khi được vợ "khai sáng" lại còn cứng đầu không chịu nghe theo.
Thậm chí, vợ còn nói vì tôi không "tín" nên bao nhiêu năm nay vẫn chỉ là nhân viên "quèn" không được thăng tiến rồi kinh doanh đâu thất bại ở đấy, không kiếm được nhiều tiền đem về cho vợ con.
Khi bị vợ động chạm đến công việc, đến lòng tự trọng, tôi cũng không giữ được bình tĩnh. Vậy là hai vợ chồng tôi đã cãi nhau một trận nảy lửa khiến mọi chuyện trở nên phức tạp. Đến hôm nay, sau 2 hôm chiến tranh lạnh, chúng tôi vẫn chưa thể ngồi lại với nhau. Nó khiến không khí trong gia đình đang rất ngột ngạt.
Vẫn biết "có thờ có thiêng, có kiêng có lành", thế nhưng, trước những kiêng cữ vô lý, oái oăm của vợ cùng những lời lẽ coi thường mà vợ nói ra khiến tôi khó lòng chấp nhận.
Bao nhiêu năm qua, gia đình vẫn yên ấm, giờ vợ mới kiếm được thêm chút tiền lại trở thành con người như vậy cũng khiến tôi đau đầu suy nghĩ. Tôi phải nói thế nào để cho vợ hiểu vấn đề đây?