Ngày nay, nhiều quan niệm xưa cũ vẫn còn tồn tại, không ít gia đình vẫn trọng nam khinh nữ và chính lối suy nghĩ lạc hậu này là căn nguyên khiến không ít cuộc hôn nhân tan vỡ, trong đó có gia đình chị M. (35 tuổi, sống tại Bình Thạnh, TP.HCM).
Chia sẻ trong chương trình Người thứ 3, chị M cho biết năm 26 tuổi, chị quen chồng trong một lần đi chơi với bạn bè. Anh hơn chị 5 tuổi. Qua tiếp xúc và trò chuyện, cả hai cảm thấy đối phương rất phù hợp với mình nên bắt đầu tìm hiểu. Sau gần một năm, cảm thấy anh là người đàn ông tốt vì yêu thương gia đình, biết quan tâm giúp đỡ những người xung quanh và có sự nghiệp vững chắc nên chị đồng ý làm vợ của anh.
Thời gian đầu sau khi kết hôn, cuộc sống của cặp vợ chồng son hạnh phúc như bao người khác. Sau đó, niềm vui càng nhân đôi khi chị mang thai. Tưởng rằng đứa con sẽ khiến tình cảm vợ chồng thêm bền chặt nhưng khi biết chị mang thai con gái, chồng và gia đình lại đối xử với chị rất lạnh nhạt, thờ ơ vì chồng chị là con trai duy nhất trong nhà, họ luôn mong có cháu trai để nối dõi tông đường.
“Tôi nghĩ anh sẽ vượt qua được rào cản về sự phân biệt giới tính, không lạc hậu giống người xưa, nhưng anh lại rất nghe lời mẹ, thờ ơ với vợ khi biết tôi mang thai con gái. Ngày tôi đi sinh, anh cũng không đi cùng với lý do bận việc. Khi anh vào bệnh viện, anh hỏi thăm mẹ trước, thăm con rồi mới hỏi đến tôi”, chị M tâm sự.
Khoảng thời gian sau đó, anh vùi mình vào công việc, chị chăm sóc con cái và nhà cửa. Thỉnh thoảng anh cũng giúp chị chăm con như đưa hai mẹ con đi tiêm chủng, nửa đêm dậy cho con uống sữa,… nhưng bấy nhiêu đó vẫn không đủ để gia đình gắn kết.
Chị M chia sẻ câu chuyện hôn nhân của mình trong chương trình Người thứ 3.
Cho đến một buổi tối, chồng chị M về nhà trong cơn say và bất ngờ gọi vợ bằng một cái tên khác. Biết có điều chẳng lành nhưng chị vẫn giấu kín trong lòng mà không dám hỏi trực tiếp chồng. Chị âm thầm khóc một mình trong đêm và tự an ủi rằng chắc là mình nghĩ nhiều, không phải chồng phản bội mình đâu.
Dẫu vậy, những ngày sau đó chị bắt đầu để ý chồng hơn và nhận ra những biểu hiện khác lạ của anh. Anh ăn mặc chỉn chu hơn, mỗi khi đi làm đều có tâm trạng vui hơn, chi phí trong nhà cũng giảm bớt và toàn về nhà vào lúc 10-11h, có khi nửa đêm. Mỗi khi vợ hỏi, anh ta lại gắt gỏng, nói những lời khó nghe với chị.
Khoảng 5-6 tháng sau đó, một lần chồng đi tắm, chị M thấy điện thoại anh reo liên tục nên bắt máy nghe. Nào ngờ, đầu dây bên kia là một người phụ nữ. Không để chị M cất lời, chị ta đã nói liên tù tì trách móc tại sao chồng chị lại đến muộn và bảo cô ta đang ở khách sạn đợi anh đến rồi tắt máy.
Sau khi tắt máy, chị thấy tin nhắn của cô ta nhắn cho chồng. Đúng lúc này, chồng bước ra từ phòng tắm và tỏ thái độ hằn học: “Điện thoại của tôi, cô cầm làm cái gì?” khiến chị như giật mình hoảng hốt mà làm rơi điện thoại xuống đất.
Đặt vấn đề với chồng, chị lại nhận được câu trả lời tuyệt tình hơn: “Không phải chuyện của mày” rồi anh ta bỏ đi. “Tôi thấy mình bị xúc phạm. Thời khắc đó tôi cũng biết rằng mình không thể nào cứu vãn cuộc hôn nhân này nữa”, chị M nghẹn ngào kể.
Gần một tháng sau, chị phát hiện mình mang thai, đó là một bé trai theo đúng ý nguyện của chị và gia đình nhà chồng. Chị chia sẻ tin vui này với chồng, muốn anh kết thúc mối quan hệ ngoài luồng đó nhưng anh ta lại im lặng không nói gì, như mặc định mối quan hệ này là việc của anh, chị không có quyền can thiệp.
(Ảnh minh họa)
Chị M cố gắng ăn uống, nghỉ ngơi giữ gìn sức khỏe nhưng chị không thể ngừng suy nghĩ về mối quan hệ ngoài luồng của chồng, chị không biết chồng đã cắt đứt với nhân tình chưa. Chính vì vậy, chị đã bị sảy thai khi cái thai được khoảng 4 tháng tuổi.
Dù vậy, người chồng lại không hề mảy may quan tâm hay an ủi vợ sau sự mất mát ấy. Thậm chí gia đình chồng còn quay sang trách móc chị ăn ở làm sao mà không biết đẻ, không biết sinh con khiến chị M càng thêm đau đớn, buồn tủi.
Khoảng 3 tháng sau, chồng bất ngờ đưa một người phụ nữ đang mang song thai về, thẳng thừng đuổi hai mẹ con chị ra khỏi nhà: “Đi đi, bây giờ tôi không cần cô nữa”. Đáng nói hơn, anh ta ngang nhiên làm điều đó ngay trước mặt con trẻ.
Về phía ả nhân tình, cậy mình đang mang thai nên cô ta tỏ thái độ rất vênh váo, không xem chị ra gì. Còn gia đình chồng biết cô ta mang thai con trai thì mừng như “bắt được vàng”, đồng ý để con trai ly hôn với con dâu và rước cô ta về nhà. “Gia đình chồng cũng hắt hủi mẹ con tôi luôn. Họ nói tôi không biết đẻ, đó là lỗi ở tôi nên phải ly dị. Khoảng thời gian đó tôi về nhà bạn ở, vì mẹ tôi đã mất, ba đã có gia đình riêng, người đến sau không muốn vun đắp cho bố con tôi. Mỗi lần đến cô ta đều nói chuyện kiểu, con anh đến để lấy tài sản.
Nghe được, con tôi mới nói: “Ông ngoại nói mẹ con mình đến để lấy tài sản của ông, nên đừng ở đây nữa mẹ. Mẹ con mình qua nhà bạn mẹ ở một thời gian đi”. Vì bạn còn độc thân, không bất tiện gì nên mẹ con tôi sau đó dọn qua đấy ở tạm”, chị M vừa khóc vừa nói.
Sau dịch Covid-19, chị M hay tin bố mẹ chồng đã qua đời vì dịch bệnh, công việc của chồng cũng gặp nhiều trở ngại, còn người phụ nữ kia đã bỏ nhà đi theo người đàn ông khác, để lại 2 con cho chồng chị nuôi. Lúc này, bạn bè xung quanh khuyên chị nên mở lòng, tha thứ và quay lại với chồng, nhưng nỗi đau mà anh ta gây ra cho chị quá lớn khiến chị không tài nào tha thứ được.
“Con tôi cũng không cần một người cha nhẫn tâm như vậy. Có lần anh ta mang hoa quả đến thăm mẹ con tôi, con tôi không nhận, đi thẳng vào phòng luôn mà không thèm nhìn mặt cha”, chị M kể. Sau những biến cố hôn nhân, đến nay cuộc sống của mẹ con chị M đã ổn định hơn.